Gắn kết và chủ động thích ứng

Hoàng Mai 17/02/2020 07:00

Hôm 14/2, với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN trước sự bùng phát dịch bệnh Covid-19. Trong Tuyên bố, Chủ tịch ASEAN 2020 đã bày tỏ quan ngại của các nhà lãnh đạo ASEAN về diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân và sự phát triển của các nước ASEAN cũng như ở khu vực và trên thế giới. Nhấn mạnh đoàn kết ASEAN và tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của Cộng đồng, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định cam kết mạnh mẽ chung tay kiểm soát và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân.

Việc ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN cho thấy, dịch bệnh này đang là một thách thức nghiêm trọng đối với đời sống của người dân và sự phát triển của các quốc gia thành viên ASEAN, cả khu vực và toàn thế giới. Một dịch bệnh mà theo như cập nhật mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tính đến 12 giờ ngày 16/2 đã có 69.270 người mắc, 1.669 người tử vong; trong đó: Lục địa Trung Quốc: 1.665 người tử vong. Phillippines: 1 người tử vong.Hồng Kông (Trung Quốc): 1 người tử vong. Nhật Bản: 1 người tử vong. Pháp: 1 người tử vong. Trong ASEAN đã có 6/10 nước ghi nhận có ca nhiễm và 1 trường hợp tử vong.

Việc ra Tuyên bố cho thấy chưa khi nào như lúc này, cộng đồng chung ASEAN cần cùng nhau chung tay để đẩy lùi Covid-19; mà muốn thế, không có cách nào khác ngoài việc phải cùng nhau “đoàn kết ASEAN và tinh thần Gắn kết và Chủ động thích ứng của Cộng đồng ASEAN trước sự bùng phát của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra và những thách thức tương tự”- Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2020 nêu rõ trong Tuyên bố.

Ngay tại Tuyên bố này các nhà lãnh đạo ASEAN cũng cam kết dành ưu tiên cao của ASEAN ứng phó với dịch bệnh và kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng quốc tế và cũng không quên bày tỏ sự đoàn kết, ủng hộ nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế nói chung trong ứng phó với dịch bệnh. Tuyên bố cho thấy, ASEAN sẽ chung tay cùng thế giới để chống lại chủng mới của virus corona; nỗ lực vì mình và vì thế giới an toàn, không dịch bệnh. Nói thế là bởi, trên bản đồ nhiễm dịch bệnh Covid-19 thì ngay cả các đối tác lớn của ASEAN cũng không thoát khỏi vòng xoáy của dịch bệnh. Vậy thì, đương nhiên chỉ có hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm mới là con đường đi đúng đắn để khống chế dịch bệnh. Và các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh: ASEAN sẽ tăng cường phối hợp ở cả cấp quốc gia và khu vực; điều phối các hoạt động hợp tác chung giữa các kênh chuyên ngành liên quan để thống nhất cách tiếp cận đồng bộ, hiệu quả của Cộng đồng ASEAN cũng như tăng cường hợp tác với WHO, các đối tác, các tổ chức quốc tế trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Đó là đứng ở góc độ của toàn Cộng đồng. Còn đứng ở góc độ của nước Chủ tịch ASEAN, rõ ràng, Việt Nam đã phản ứng rất nhanh, rất kịp thời và quyết liệt để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Với 16 ca nhiễm bệnh, 6 ca đã khỏi hoàn toàn, được xuất viện trong đó có những ca có nhiều bệnh nền phức tạp, cho thấy, năng lực của đội ngũ bác sĩ Việt Nam và năng lực của hệ thống y tế Việt Nam.

Nhưng không có tư tưởng “tốt lỏi”, bản thân Việt Nam trong vai trò dẫn dắt Cộng đồng các nước ASEAN với số dân xấp xỉ 650 triệu người đã ra Tuyên bố Chủ tịch để khẳng định nỗ lực gắn kết và đoàn kết để cùng nhau vượt qua thách thức mà chúng ta chính là hạt nhân. Nếu không có sự đi trước, đi tiên phong; không có sự trao đổi, thống nhất mà Việt Nam đóng vai trò quan trọng, có lẽ một Tuyên bố Chủ tịch sẽ khó có thể hình thành. Chúng ta (các nước ASEAN) nỗ lực cho sự ra đời một Tuyên bố như thế bởi, chính chúng ta mong muốn bảo đảm môi trường sống hòa bình, an toàn cho người dân và sự phát triển bền vững của các quốc gia thành viên ASEAN và khu vực. Một sự an toàn không phải từ chỗ đóng cửa, “bế quan tỏa cảng” trong ASEAN mà là tìm kiếm sự an toàn từ việc: Tiếp tục duy trì chính sách mở cửa; nhất trí phối hợp trong công tác kiểm tra y tế tại các cửa khẩu của các quốc gia thành viên. Vì thế, Tuyên bố nêu rõ: “Yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước thành viên ASEAN ở nước thứ ba hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN trong trường hợp cần thiết cũng như hợp tác hiệu quả ngăn ngừa thông tin sai lệch về dịch bệnh Covid-19.”

Nằm trong các ứng phó chung của ASEAN với dịch bệnh Covid-19, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị tổ chức cuộc họp đặc biệt của ACC và phối hợp cùng Trung Quốc họp đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương lần thứ 5 tại Vientiane, Lào sắp tới để thảo luận về hợp tác ứng phó với Covid-19.

Đáng nói là, những sáng kiến của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN đã được 10 quốc gia thành viên hoan nghênh, đồng thuận cao và thống nhất cùng hành động. Nó cho thấy, trước những quan ngại về các vấn đề chung, ASEAN luôn luôn đồng thuận. Nó cũng cho thấy, vai trò Chủ tịch đã được phát huy đúng lúc, đúng chỗ sẽ góp phần quan trọng để ASEAN đi đúng hướng trong công cuộc đấu tranh chống lại dịch bệnh, vì hạnh phúc của 650 triệu công dân của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gắn kết và chủ động thích ứng