Hầu hết cán bộ nghỉ hưu trước tuổi đều không đủ tuổi tái cử theo Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 27-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương.
Ông Nguyễn Chín, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết tại tỉnh này có nhiều cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên xin nghỉ hưu trước tuổi để tiện việc sắp xếp, bố trí nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới. Hiện nay, đơn vị đang tổng hợp, báo cáo các trường hợp này cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy nên chưa có danh sách chính thức.
Không tái cử thì nghỉ việc
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Chín cho rằng Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 27-HD/BTCTW ngày 20.12.2019 của Ban Tổ chức trung ương nêu rõ những ai không đủ tuổi tái cử thì phải nghỉ trước và sau đại hội.
Cụ thể, những ai lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nói chung phải đủ tuổi công tác từ 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất cũng trọn 1 nhiệm kỳ. Những ai được giới thiệu tái cử cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nói chung phải đủ tuổi công tác trọn 1 nhiệm kỳ, ít nhất phải còn đủ tuổi công tác từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên. Riêng đối với ủy viên Trung ương Đảng sẽ do Bộ Chính trị nghiên cứu, xem xét, trình Ban Chấp hành trung ương quyết định.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, theo thống kê sơ bộ của Sở Nội vụ tỉnh này, đến hết tháng 6-2020 có khoảng trên dưới 10 cán bộ xin nghỉ việc. Hầu hết trong số này là những người sắp đến tuổi nghỉ hưu, không đủ điều kiện tái cử… nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí nhân sự cho đại hội Đảng bộ, các cán bộ này tự nguyện xin nghỉ. "Việc có nhiều hay ít cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi phụ thuộc nhiều vào chính sách khuyến khích của tỉnh. Nếu tỉnh nào có chính sách khuyến khích về hưu trước tuổi thì họ về đông lắm. Còn tỉnh nào chưa có chính sách, số lượng xin nghỉ trước tuổi cũng ít. Riêng ở Quảng Ngãi, Sở Nội vụ đã tham mưu chính sách nhưng do kinh phí còn khó khăn nên chưa được thông qua" - ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi, cho biết.
Tương tự, tại TP Đà Nẵng, đến thời điểm hiện nay có 20 cán bộ xin nghỉ việc, trong đó có 3 người là thành ủy viên, số còn lại thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Tất cả trường hợp trên đều không đủ tuổi tái cử cấp ủy trong nhiệm kỳ tới.
Còn tại tỉnh Nghệ An, tính đến cuối tháng 6/2020 có 243 cán bộ huyện và xã ở Nghệ An không đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ tới nên được về hưu trước tuổi. Ông Lê Quốc Khánh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, cho rằng hiện tượng này không có gì bất thường, các cán bộ đều hợp tác vì họ hiểu đây là việc làm hợp lý trong công tác cán bộ. Trong thời gian tới sẽ còn nhiều cán bộ nghỉ hưu trước tuổi.
Tín hiệu tích cực!
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức trung ương, đánh giá các địa phương có cán bộ chủ động xin về hưu sớm là tín hiệu tích cực. Ông nhìn nhận đó là những cán bộ biết nghĩ đến lợi ích của tổ chức, tạo điều kiện cho lớp cán bộ trẻ có cơ hội. "Nhiều cơ quan khuyến khích việc cán bộ nghỉ hưu sớm trước 2-3 năm, nếu những người nào có phẩm chất, đạo đức tốt, vì công cuộc chung thì sẵn sàng làm việc này. Nhưng cũng không loại trừ những trường hợp sẽ tiếp tục ngồi lại chiếc ghế của mình cho đến khi tới tuổi hưu mới thôi" - ông Lê Quang Thưởng nói.
Theo ông Thưởng, cán bộ về hưu sớm khi không đủ tuổi tái cử sẽ được giải quyết chế độ, chính sách theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm được quy định cụ thể cho 3 trường hợp: Nghỉ hưu trước tuổi; tiếp tục công tác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu hoặc nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu. Việc trợ cấp cho người về hưu sớm sẽ dựa trên nhiều yếu tố như thời gian công tác, lương chức vụ, phụ cấp chức vụ... Khoản trợ cấp này chúng ta thường nói là nhận "một cục" để về hưu. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng có những cơ chế riêng để khuyến khích cán bộ nghỉ hưu sớm.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, cũng cho rằng các cán bộ khi chủ động xin nghỉ hưu sớm là thể hiện trách nhiệm rất cao với tổ chức. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho các cán bộ này cần thực hiện công khai, minh bạch, đúng tâm tư, nguyện vọng.
Hỗ trợ nghỉ việc từ 100 - 200 triệu đồng
Theo ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, ngoài chính sách chung theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP, HĐND TP đã thông qua nghị quyết hỗ trợ cho người tự nguyện nghỉ việc. Theo đó, cán bộ ở cấp Thường vụ Thành ủy và các chức danh tương đương khác được hỗ trợ thêm 200 triệu đồng; cán bộ là Thành ủy viên hoặc người đứng đầu các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan tham mưu, bí thư quận - huyện... là 180 triệu đồng; cấp phó của người đứng đầu Ủy ban MTTQ TP, Phó Bí thư các quận - huyện ủy, chủ tịch HĐND và UBND các quận - huyện... được hỗ trợ 160 triệu đồng; cấp ủy viên chuyên trách của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, phó chủ tịch quận - huyện được hỗ trợ 140 triệu đồng; cấp trưởng phòng từ 100 - 120 triệu đồng.