Đề án vị trí việc làm đang bước vào giai đoạn “nước rút” để quý II/2024 tập trung xây dựng hệ thống bảng lương mới áp dụng từ 1/7/2024.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đến nay có 20/20 bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành. 15/15 bộ, ngành đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập. Trong cơ quan, tổ chức hành chính, tổng số là 840 vị trí việc làm. Trong cơ quan thuộc Chính phủ, vị trí việc làm, lãnh đạo quản lý có 31 vị trí. Trong đơn vị sự nghiệp công lập có 559 vị trí; Cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí việc làm.
Về triển khai xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm, căn cứ quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và quy định của Chính phủ hướng dẫn thi hành, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm công chức, viên chức làm cơ sở để tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ Nội vụ xác định, tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế về xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong hệ thống chính trị theo quy định Đảng, Quốc hội và của Chính phủ, hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Gắn việc phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, đổi mới công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức, viên chức theo vị trí việc làm gắn với kết quả sản phẩm đầu ra và thực hiện trả lương theo vị trí việc làm phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
Về mục tiêu cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, phấn đấu đến tháng 3/2024 hoàn thành việc xây dựng Đề án vị trí việc làm và phê duyệt vị trí việc làm gắn với cơ cấu công chức, cơ cấu viên chức theo vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Từ tháng 4/2024 trở đi rà soát, hoàn thiện các quy định về vị trí việc làm và điều chỉnh kịp thời vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Liên quan đến vấn đề trên, bà Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Chính phủ và Bộ Nội vụ đã rất quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Đến nay đã có các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng và các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương chỉ đạo hướng dẫn vị trí việc làm.
Theo bà Yên, đây là công việc khó, phức tạp, nhạy cảm và hiện tiến độ xây dựng chưa đạt mục tiêu đề ra. Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy quá trình xây dựng vị trí việc làm cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ví như thế nào là vị trí việc làm chuyên ngành, vì mỗi cơ quan có vị trí việc làm, khung năng lực vị trí việc làm khác nhau.
Bà Yên kiến nghị sửa đổi, ban hành các văn bản hướng dẫn, cách thức, và phương pháp để xác định vị trí việc làm. Một trong những nguyên tắc của việc xây dựng đề án vị trí việc làm và phê duyệt vị trí việc làm là gắn với cơ cấu công chức, viên chức trong các cơ quan tổ chức, đơn vị sự nghiệp đảm bảo chất lượng đội ngũ công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới, thực hiện được tinh giản công chức và viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cần ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý nhà nước.
“Quốc hội đã ban hành nghị quyết từ 1/7/2024 sẽ thực hiện tổng thể chính sách cải cách tiền lương. Do đó muốn thực hiện được điều này phải căn cứ vào đề án vị trí việc làm, nên xây dựng đề án vị trí việc làm là nhiệm vụ cấp bách của các bộ, ngành địa phương hiện nay”-bà Tạ Thị Yên nói.