Tết đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao, tình trạng buôn lậu tại các tỉnh biên giới cũng tăng. Tại Lạng Sơn, không chỉ buôn lậu hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nhiều mặt hàng giả, hàng nhái cho tới những mặt hàng cấm như pháo nổ, tiền giả, ma túy, thực phẩm bẩn... cũng rất phức tạp.
Một vụ vận chuyển, buôn bán trái phép pháo nổ nhập lậu bị lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn phát hiện, bắt giữ.
Liên tục phát hiện, bắt giữ hàng lậu
Khoảng 16h30 ngày 1/2, tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn, lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn bắt quả tang đối tượng Nông Khang (quốc tịch Trung Quốc) đang vận chuyển trái phép 600 kg pháo các loại từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Trước đó, khoảng 16h30 ngày 1/1, tại khu vực biên giới thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng), lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Huy Hoàng (24 tuổi, trú tại Quảng Ninh) đang có hành vi vận chuyển 198 triệu đồng tiền giả.
Không chỉ các mặt hàng cấm, dịp cuối năm tình hình vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc cũng diễn biến phức tạp.
Vào hồi 20h ngày 30/1, lực lượng Chi cục QLTT Lạng Sơn tiến hành kiểm tra kho hàng tại khu Vườn Sái, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) phát hiện 20 thùng các tông, bên trong đựng 4.800 lọ dầu xoa bóp loại 100 ml/lọ không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.
Qua đấu tranh, ông Hà Văn Nghiêm (26 tuổi, trú tại xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc) khai nhận đã mua thu gom số hàng trên của một số người dân khu vực biên giới rồi tập kết tại kho hàng để vận chuyển về các tỉnh nội địa bán kiếm lời.
Ngày 4/1, tại QL1A thuộc xã Hoàng Đồng (TP Lạng Sơn), Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra xe ôtô BKS 12A-00542, phát hiện trên xe vận chuyển khoảng 200 bánh vừng, 180 túi chả mực không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã bốc mùi hôi thối.
Chủ hàng là Vũ Thị Vân Huyền (trú tại Lạng Sơn) khai nhận đã gom chả mực ở khu vực Tân Thanh do người dân vận chuyển nhỏ lẻ từ Trung Quốc về Lạng Sơn.
Tiếp đó, ngày 5/1 cũng tại Quốc lộ 1A đoạn qua xã Quang Lang (huyện Chi Lăng), lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện xe ô tô do Phạm Duy Thuần (trú tại Hà Nội) điều khiển, chứa 300 kg hạt dẻ, 100 con chim bồ câu nhập lậu.
Theo thống kê, năm 2017, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, xử lý 4.680 vụ, phạt vi phạm hành chính hơn 25,4 tỷ đồng, phạt bổ sung, truy thu thuế hơn 23,2 tỷ đồng.
Trị giá hàng hóa vi phạm hơn 89,8 tỷ đồng. Số vụ, số đối tượng bị khởi tố tăng so với năm 2016.
Trong đó, 315 vụ với 470 đối tượng liên quan đến ma túy, thu giữ 123 kg heroin, 54 kg ma túy tổng hợp.
19 vụ với 36 đối tượng liên quan đến tiền giả, thu giữ 3,1 tỷ đồng tiền Việt Nam giả, 415 Nhân dân tệ giả. 135 vụ với 175 đối tượng liên quan đến pháo nổ, thu giữ trên 9 tấn pháo và khởi tố 7 vụ án buôn lậu hàng hóa thông thương qua biên giới.
Lạng Sơn là được đánh giá là địa bàn nóng về vận chuyển, buôn bán nội tạng động vật, gia cầm, nhưng dịp cuối năm 2017 và đầu năm 2018 đã giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, những mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, thực phẩm đóng hộp, dầu ăn, xì dầu, hạt hướng dương… nhập lậu càng nhiều.
Nhiều thủ đoạn
Ông Nguyễn Bảo Ngọc- chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn) cho biết, năm 2017, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại địa bàn do Chi cục quản lý có xu hướng tăng về số vụ.
Với địa bàn rộng lớn, địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn và tình hình tội phạm, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh.
Đặc biệt trong khu vực cửa khẩu Tân Thanh có các chợ cửa khẩu, đông dân cư sinh sống, có nhiều đường mòn, lối tắt qua biên giới nhưng lực lượng công tác kiểm soát chống buôn lậu của đơn vị còn mỏng, thiếu người.
Mặt khác, lợi dụng chính sách tiêu chuẩn hàng cư dân biên giới, một số hộ kinh doanh đã thuê cư dân để thực hiện mang vác nhỏ lẻ hàng hóa qua cổng về chợ cửa khẩu để bán cho du khách và buôn lậu vào nội địa.
Vẫn theo ông Ngọc, phương thức thủ đoạn buôn lậu chủ yếu là lợi dụng trời tối, địa hình đường đồi, núi, cây cối rậm rạp khó đi lại để mang vác hàng hóa theo các đường mòn qua biên giới nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng, sau đó sử dụng hóa đơn bán hàng, hóa đơn GTGT để hợp thức hóa nguồn gốc cho hàng hóa tiêu dùng, còn lại một số mặt hàng không thể ghi hóa đơn như hàng giả, hàng cấm…thường được găm cắm, vận chuyển nhỏ lẻ trên các phương tiện giao thông để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
“Việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đặc biệt là các mặt hàng cấm như pháo nổ, ma túy, tiền giả có lợi nhuận lớn, nên cư dân biên giới, lao động tự do thu nhập thấp, công việc không ổn định dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo tham gia vào hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới… Công tác phối hợp giữa các lực lượng đóng chân trên địa bàn đã mang lại hiệu quả nhưng sự phối hợp đôi lúc còn chưa chặt chẽ, thường xuyên. Một số đối tượng buôn lậu với bản chất ngang tàng, liều lĩnh, đôi lúc hăm dọa cán bộ cơ quan chức năng làm nhiệm vụ. Do đó, một số cán bộ trong khi thực hiện nhiệm vụ còn tỏ ra e dè, nể nang” - lãnh đạo Chi cục Hải quan Tân Thanh chia sẻ.
Ông Nông Quang Hưng- phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị cũng thừa nhận, tình hình buôn bán, vận chuyển các mặt hàng cấm như ma túy, tiền giả, pháo nổ vẫn diễn biến hết sức tinh vi, phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, luôn thay đổi quy luật, thời gian, địa điểm nên công tác phát hiện, bắt giữ gặp nhiều khó khăn.
Các đối tượng tội phạm ma túy thường lợi dụng những người lao động tự do địa phương, cư dân biên giới thường xuyên qua lại để cất giấu ma túy trong hành lý, người, hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới để đưa vào Việt Nam.
Còn thủ đoạn gian lận thương mại chủ yếu lợi dụng chính sách về thuế, về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa được phân luồng xanh, luồng vàng để khai báo sai về tên hàng hóa, số lượng, thuế suất, mã số hàng hóa, xuất xứ, năm sản xuất của máy móc thiết bị… đồng thời lợi dụng các hình thức khai báo hàng hóa trung chuyển, quá cảnh để gian lận, buôn lậu.