Quảng Nam sẽ gấp gáp chọn giải pháp tối ưu chống sạt lở cửa sông, bờ biển trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học. Đây là ý kiến của ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại Hội thảo quốc tế Việt Nam – Nhật Bản về Cửa sông, bờ biển và kỹ thuật sông (VJWECR 2015) do UBND tỉnh Quảng Nam, Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế - Thuỷ lợi miền Trung, Trường Đại học Tohoku (Nhật Bản), Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, Trường Đại học Thuỷ Lợi phối hợp tổ chức ngày 7/9 tại TP Hội An. Địa phư
Quang cảnh hội thảo
Đối mặt với hiểm họa
Với sự hiện diện của hơn 200 nhà khoa học, chuyên gia thuỷ lợi nổi tiếng của Việt Nam và quốc tế, hội thảo được xem là minh chứng mạnh mẽ thể hiện sự quan tâm đặc biệt của UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ - ngành liên quan cũng như các tổ chức quốc tế về sạt lở cửa sông, bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng ở Quảng Nam và nhiều nơi khác
Tại Hội thảo, GS-TS. Hitoshi Tanaka (Chủ tịch Hội quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thuỷ văn môi trường - vùng châu Á Thái Bình Dương -IAHR-APD, Phó Chủ tịch Hội xây dựng dân dụng Nhật Bản - JSCE) và PGS-TS. Nguyễn Trung Việt (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế - Thuỷ lợi miền Trung) cùng có ý kiến cho rằng, nguyên nhân tiềm tàng gây xói lở ở Cửa Đại, là sự suy giảm bùn cát từ thượng lưu. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy tình trạng xói lở nghiêm trọng tại bờ biển Cửa Đại trở nên nghiêm trọng hơn khoảng 5-6 năm gần đây, sự dịch chuyển khu vực xói lở tiến dần về phía bắc, bắt đầu từ cửa sông, nếu không có nghiên cứu tổng thể và giải pháp bảo vệ, câu chuyện xói lở có thể tiếp tục xảy ra ở khu vực bãi biển An Bàng, Hà My.
Đại biểu tham dự Hội thảo nhìn nhận, hiện nay nhiều vùng của cả nước – đặc biệt là cửa sông, ven bờ biển Quảng Nam chưa có quy hoạch tổng thể về khai thác, phát triển tiềm năng và phòng chống thiên tai cho hệ thống cửa sông. Nhiều giải pháp công trình đưa ra còn mang tính cục bộ cũng như việc thử nghiệm chưa dựa trên kết quả của việc nghiên cứu đồng bộ có xét đến ảnh hưởng tổng thể của tất cả các quá trình tương tác động lực bùn cát sông biển. Do vậy, nhiều lúc việc phòng chống xói lở, bồi tụ ở khu vực này lại gây sạt lở ở các vùng khác hoặc bố trí kết cấu công trình cũng tồn tại nhiều vấn đề bất cập.
Biển Của Đại
Gấp gáp tìm hướng xử lý
Theo GS-TS. Hitoshi Tanaka Chủ tịch Hội quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thuỷ văn môi trường - vùng châu Á Thái Bình Dương (IAHR-APD), Phó Chủ tịch Hội xây dựng dân dụng Nhật Bản (JSCE) và PGS-TS. Nguyễn Trung Việt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế - Thuỷ lợi miền Trung: Nguyên nhân sâu xa của tình trạng sạt lở cửa sông, bờ biển là sự suy giảm bùn cát hàng năm ở phía thượng lưu, bên cạnh đó các biên cứng (đập phá sóng nhô ra ở các khu nghỉ dưỡng ven biển, mái kè biển dọc đường Âu Cơ) cũng là tác nhân gây xói lở ngày càng mạnh hơn ở khu vực phía Bắc. Nếu khắc phục được hiện tượng này, quá trình hồi phục bãi biển có thể xảy ra để ổn định bờ biển Cửa Đại.
Bãi biển Cửa Đại, sông Thu Bồn và đô thị cổ Hội An là danh thắng, di sản thế giới nổi tiếng nhưng trong nhiều năm qua đã phải chịu hậu quả nặng nề của hiện tượng xói lở và bồi lấp. Hiện tượng này xảy ra ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp không chỉ đe doạ an toàn đối với các công trình kiến trúc và con người mà còn gây ra sự thay đổi nghiêm trọng địa hình, địa mạo của khu vực. Xói lở, bồi lấp cũng đồng thời, gây thiệt hại lớn, trực tiếp với hoạt động du lịch vốn được coi là lĩnh vực kinh tế chủ lực của Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.
GS.TS. Trần Đình Hoà, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam và nhóm nghiên cứu đã có những nghiên cứu tổng quan tình hình xói lở và bồi lấp các cửa sông ven biển miền Trung. Theo các tác giả, diễn biến, biến động cửa sông ven biển là rất phức tạp và ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ thiên tai, các tác giả cũng đã chỉ ra các nguyên nhân chủ quan như nạn khai thác cát quá mức, tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn... Báo cáo tại hội thảo cũng đã nêu ra những tồn tại, hạn chế trong việc xử lý các vấn đề bồi lắng và xói lở như các giải pháp đã đưa ra mang tính cục bộ cho từng cửa sông mà thiếu tính đồng bộ cho cả hệ thống, các số liệu đo đạc khảo sát còn thiếu nhiều dẫn đến việc phân tích, đánh giá các nguyên nhânc hưa thật đầy đủ và chính xác...Trên cơ sở khảo sát, phân tích các chuyên gia kiến nghị một số giải pháp tổng thể nhằm giải quyết các tồn tại và thực trạng cho các cửa sông ven biển miền Trung.
Sóng biển tàn phá ven bờ Cửa Đại. Mỗi năm biển lấn sâu vào bờ từ 30 đến 50 m.
TS. Hirotoda Matsuki, Cố vấn trưởng dự án xây dựng xã hội thích ứng thiên tai tại Việt Nam giai đoạn 2 (được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) cho rằng xói lở bờ sông là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất ở khu vực nông thôn Việt Nam. JICA đã hỗ trợ bảo vệ các khu vực bờ sông áp dụng phương pháp kỹ thuật sông ngòi truyền thống của Nhật Bản. Các kỹ thuật này nhằm đưa đường lạch sâu ra ngoài hướng bờ sông để thay đổi điều kiện dòng chảy từ gây ra xói mòn thành mang lại bồi đắp.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, địa phương này sẽ gấp gáp lựa chọn giải pháp tối ưu nhất chống sạt lở cửa sông, bờ biển trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học và chuyên gia tham dự Hội thảo. Sau khi xác định được nguyên nhân chính thức, một số giải pháp trước mắt sẽ được tỉnh Quảng Nam cùng các Bộ ngành Trung ương sẽ đưa ra để bảo vệ công trình, tài sản của người dân và doanh nghiệp, cùng với đó là các giải pháp tổng thể, lâu dài, chấm dứt tình trạng sạt lở cửa sông, bờ biển. Ông Lê Trí Thanh cho biết.