Xã hội

Gập ghềnh chuyển đổi số

THÁI NHUNG 15/03/2024 09:32

Việc xây dựng xã thông minh hay chuyển đổi số cấp xã là đòi hỏi tất yếu, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.

anhbaitren(1).jpg
Tổ Công nghệ số cộng đồng xã Minh Trung (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử. Ảnh: T.Nhung.

Nơi phủ sóng 100%, nơi chưa có sóng di động

Năm 2023, Việt Nam đạt nhiều con số ấn tượng về chuyển đổi số (CĐS) như: Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2023 đứng thứ 46, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay; Chỉ số CĐS quốc gia đạt 0,75; tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á…

Tuy nhiên, CĐS vẫn còn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Tính đến 1/1/2024 có 620 thôn, bản chưa có sóng di động, 130 thôn chưa có điện.

Tại tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tốt trong công tác CĐS: 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên địa bàn được phủ sóng băng rộng cáp quang; 100% UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị được kết nối Internet… Tuy nhiên, ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, hệ thống hạ tầng phục vụ CĐS chưa đầy đủ, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn thấp nên việc tiếp cận các nội dung CĐS còn nhiều hạn chế.

Bà Lý Thị Thu Hằng - Chủ tịch UBND xã Trung Minh (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) cho biết: Trung Minh là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Người dân trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Xã còn 2 thôn chưa có sóng điện thoại, độ phủ sóng điện thoại ở nhiều thôn còn yếu, 1 thôn chưa có điện. Cuộc sống của đồng bào còn khó khăn, nhận thức còn hạn chế; mặt khác hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) lạc hậu, thiếu đồng bộ, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu... dẫn đến hiệu quả CĐS chưa được như kỳ vọng.

Tại tỉnh Thanh Hóa, Bộ Tiêu chí đánh giá CĐS cấp xã đến năm 2025 do UBND tỉnh ban hành gồm 4 nhóm tiêu chí chính, với 37 chỉ tiêu thành phần. Đây là cơ sở quan trọng để các xã, phường, thị trấn triển khai các nhiệm vụ CĐS đảm bảo đúng định hướng và có trọng tâm trọng điểm. Trong đó, nhóm tiêu chí về Chính quyền số được các xã tập trung thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, trong các nhóm tiêu chí về kinh tế số, hạ tầng số có một số chỉ tiêu thành phần khi thực hiện còn gặp khó khăn. Ví dụ, xã Hoằng Tiến, 1 trong 11 xã của huyện Hoằng Hóa, được giao nhiệm vụ hoàn thành CĐS cấp xã trong năm 2023. Trên địa bàn xã có 40 doanh nghiệp (DN) quy mô nhỏ và rất nhỏ. Mặc dù xã đã tuyên truyền, vận động, nhưng hầu hết các DN vẫn chưa sử dụng hợp đồng và hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh. Do đó, đến nay chưa đến 50% DN đạt yêu cầu của Bộ Tiêu chí CĐS số cấp xã.

Ông Lê Nhật - Phó Giám đốc Chính phủ số - Cục CĐS quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, CĐS tại cấp xã gặp những khó khăn cả về nhận thức và về nguồn lực: Nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và DN trên địa bàn chưa đầy đủ; sự vào cuộc và quyết tâm chính trị về CĐS của lãnh đạo cấp xã còn chưa quyết liệt. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn lực. Các xã chưa có nhân lực biên chế, được đào tạo về CNTT... Tất cả những điều này dẫn đến sự chênh lệch về CĐS giữa thành thị và nông thôn.

Rút ngắn khoảng cách

Từ những nguyên nhân trên, ông Nhật cho hay, để thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn thông qua thực hiện CĐS ở cấp xã, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã triển khai các chương trình thí điểm CĐS cấp xã, hay lồng ghép vào các chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Cụ thể: đã hướng dẫn tạm thời về triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử; Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn một số tỉnh theo chương trình thí điểm về việc phối hợp triển khai thí điểm CĐS tại một số xã trên địa bàn các tỉnh. Qua quá trình triển khai nhiều địa phương đã có những kết quả nhất định như tại xã Yên Hoà, (huyện Yên Mô, Ninh Bình), xã Vi hương (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn)… Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình theo kế hoạch đến hết năm 2024 hoàn thành 100% CĐS cấp xã theo phiên bản 1.0.

Từ thực tế của xã Trung Minh (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), bà Lý Thị Thu Hằng - Chủ tịch UBND xã Trung Minh cho rằng, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, khoảng cách địa lý luôn là trở ngại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, CĐS là giải pháp quan trọng giúp rút ngắn khoảng cách địa lý. Đây còn là cánh cửa hướng tới hội nhập tri thức của bà con. Sản phẩm nông sản của bà con có thể rao bán trên các nền tảng số; bà con có thể được hưởng những dịch vụ y tế tốt hơn nhờ CĐS; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm đi lại nhiều lần nên bà con rất hưởng ứng... Có thể thấy, việc đẩy mạnh CĐS ở nông thôn là chìa khóa để hướng tới sự phát triển một cách bền vững cho vùng.

Từ đó, bà Hằng cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể tại địa phương đặc biệt khó khăn như xã Trung Minh: lãnh đạo huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện và rất sâu sát đối với công tác CĐS của xã; cán bộ xã hướng dẫn nhiệt tình giúp người dân gỡ bỏ tâm lý ngại khó… Ngoài ra, xã cũng thành lập các tổ Công nghệ số cộng đồng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vừa khảo sát, vừa hướng dẫn và vận động các hộ dân, sử dụng loa truyền thanh để truyền thông CĐS. Từ đó, bà Hằng mong muốn trên địa bàn được tiếp thêm nguồn lực cũng như hy vọng tất cả các thôn đều có sóng điện thoại và điện lưới để việc CĐS đạt kết quả cao hơn.

Theo ông Lê Nhật - Phó Giám đốc Chính phủ số - Cục CĐS quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới (NTM) thông minh, xã thương mại góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Xã được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình xã NTM thông minh, bao gồm các tiêu chí như xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 hoặc xã có khả năng áp dụng CNTT và công nghệ số và trong lĩnh vực nổi trội, hoặc có các điều kiện khác về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh… Bên cạnh đó, các địa phương cũng triển khai các nội dung theo quyết định, chiến lược CĐS của từng địa phương nhằm thu hẹp các khoảng cách CĐS giữa thành thị và nông thôn, lấy người dân làm trung tâm, nâng cao chất lượng cuộc sống, sản xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, để quyết tâm gỡ những điểm nghẽn trong thực hiện CĐS từ cấp xã, thu hẹp khoảng cách CĐS giữa thành thị và nông thôn, giải pháp là xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; chuyển đổi nhận thức; tập trung phát triển hạ tầng số; chuyển đổi các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng CNTT; đào tạo nhân lực số...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gập ghềnh chuyển đổi số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO