Chiến tranh đang lùi xa vào quá khứ. Song những khoảnh khắc của một thời hừng hực sức trẻ, sẵn sàng xông pha vào hiểm nguy vẫn còn in đậm trong tâm trí của mỗi người dân xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá). Áp ngày kỷ niệm đất nước hoàn toàn độc lập, các chiến sĩ quả cảm đuổi bắt giặc lái; cô thiếu nữ kiên gan tự tay tháo bom tấn; người thân hai gia đình tự nguyện nuôi bộ đội, bảo vệ vũ khí ở Hải Bình... cùng hồi ức lại một thời máu lửa với niềm tự hào vô bờ bến.
Chị em bà Thi hồi ức lại cảnh máy bay Mỹ ném bom làm cháy kho chứa hàng hoá, đạn dược.
Xung phong bắt giặc lái
Gợi lại sự kiện ngày 14/3/1966, ông Lê Văn Xuân, trú thôn Tiền Phong, xã Hải Bình vẫn còn nhớ như in. Ký ức thời khói lửa đạn bom bao trùm khắp miền Bắc cứ thế ùa về qua từng chi tiết ông kể. Dòng cảm xúc đó khiến tôi cảm thấy không khí sục sôi của những người con máu đỏ, da vàng sẵn sàng xả thân vệ quốc đang ở đâu đây, gần lắm.
Cuốn địa chí xã Hải Bình còn ghi rõ: Ngày 14/3/1966, một máy bay A4D bị bộ đội cao xạ bắn cháy ở cầu Đồi (cách xã Hải Bình khoảng 4 cây số). Phi cơ bốc cháy và nhanh chóng lao ra biển, hai tên phi công nhảy dù. Lúc này, địch cho một thuỷ phi cơ đến ứng cứu nhưng bị dân quân xã Hải Bình, Tĩnh Hải, Hải Yến và đơn vị C16, D1, E57 pháo binh phối hợp bắn chìm.
Lúc này có 3 người đi trên thuyền lưới lẹp đánh cá thấy phi công nhảy dù lao ra bắt nhưng do địch yểm trợ gắt gao nên những người này đành phải quay vào bờ. Ngay lập tức, ông Nguyễn Minh Ưng- Đại đội trưởng dân quân thôn Liên Hải dẫn đầu cùng 5 người khác gồm: Lê Văn Xuân, Hồ Ngọc Tạo, Lê Xuân Êm, Nguyễn Văn Mừng, Đỗ Văn Hướng đều đang giữ các chức vụ lãnh đạo đoàn cấp thôn, xã dùng chiếc thuyền trên tiếp tục tiến ra biển bắt giặc lái.
Ông Xuân kể: “Khi đó, anh Nguyễn Minh Ưng được giao làm đội trưởng, cầm lái vì anh Ưng là con nhà nòi trong nghề đi biển. Lúc anh em rời bến vào 3 giờ chiều, trời nắng lắm nhưng cả 6 người đều chèo rất hăng. Vượt được khoảng 3 hải lý, nhìn thấy hai tên phi công mặc áo cứu hộ đang trôi lênh đênh trên biển, mọi người như được nhân lên gấp đôi sức chiến đấu. Anh em chúng tôi quên đi tính mạng của mình và cố gắng chèo thuyền thật nhanh nhằm tóm hai tên giặc lái gieo rắc đau thương đối với hàng nghìn gia đình”.
Theo lời ông Xuân kể thì con thuyền càng tiến gần đến vị trí hai viên phi công đang nổi trên mặt biển thì ở trên đầu máy bay Mỹ càng gầm rú đinh tai, nhức óc hơn. Chúng dõi theo con thuyền lưới kẹp và liên tục nhả đạn. “Anh Ưng chèo cừ lắm. Những tên lính Mỹ ngồi trên máy bay cứ thế dội “mưa đạn” xuống bên này thì anh Ưng ngoặt thuyền sang bên kia để tránh như kiểu đi xe đánh võng trên đường vậy. Song sức người cùng phương tiện thô sơ có giới hạn, giặc Mỹ bắn thủng hông thuyền của anh em tôi và dùng thuỷ phi cơ “hớt mất” hai viên phi công rồi bay vút đi”- ông Xuân tiếc nuối. Tuy không thành công trong việc truy bắt giặc lái nhưng với tinh thần quả cảm, xả thân vì đất nước, cả 6 người nói trên đều được Tỉnh đội tặng giấy khen.
Thiếu nữ phá bom tấn
Vỏ quả bom dài khoảng 2,5m, đường kính miệng rộng khoảng 50cm còn hiện hữu đến ngày nay là minh chứng sống động cho tinh thần mưu trí của người thiếu nữ Hoàng Thị Ninh. Bà Ninh năm nay bước sang tuổi 70 nhưng khi nhắc lại chuyện xưa, có vẻ bà thèn thẹn thì phải! Là bởi đối với bà cũng như hàng nghìn chiến sĩ khác trong thời chiến đều cùng chung một lý trí chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, chả ai nghĩ tới việc chiến đấu để ghi thành tích cả.
Cứ sau mỗi lần địch rải bom bắn phá, các chiến sĩ dân quân xã Hải Bình lại tổ chức thu nhặt, chuyển những quả bom, đạn chưa nổ đến nơi quy định. Trong trận địch bỏ bom xuống đồng muối Tiền Phong, bà Bình Lặc cùng dân quân du kích đã dũng cảm nhặt, khiêng những quả bom chưa nổ ra khỏi khu ô nại.
Đặc biệt ở thời điểm đó, người dân phát hiện còn sót lại quả bom tấn nằm ở cánh đồng Chon. Ông Nguyễn Văn Tịnh- Xã đội trưởng, Trần Văn Toả- Xã đội phó và bà Hoàng Thị Ninh là những người trực tiếp được giao nhiệm vụ tháo ngòi nổ. Bà Ninh nhớ lại: “Lúc đó tôi đang tuổi thiếu nữ nhưng táo bạo, gan lắm.
Phát hiện bom lớn ở Khả La, xã cắm biển cấm nên không ai trong làng dám đến gần. Ba anh em tôi tới thì thấy bom nằm xiên, cắm sâu xuống ruộng lầy. Trước hôm phát hiện bom đúng một tuần, tôi được huấn luyện kỹ thuật tháo gỡ bom mìn trên huyện về nên xung phong nhận nhiệm vụ. Để đảm bảo an toàn, tôi không dám dùng xẻng mà lấy tay bốc bùn cho tới khi thấy đầu quả bom tròi ra. Sau đó, từ từ xoay cái đầu kích nổ cho tới khi hết zen”.
Không chỉ có công lớn trong việc tháo quả bom tấn, bà Ninh còn tham gia Ban chấp hành Chi đoàn xóm Liên Hưng, hàng đêm cùng với lực lượng dân quân xã Hải Bình tuần tra dọc bờ biển, kịp thời phát hiện bọn người nhái của địch bơi từ biển vào. “Cứ 8 giờ tối, chúng tôi tập trung toàn bộ lực lượng, phân công nhiệm vụ đi dọc bờ biển trong xã giám sát, bảo vệ sự bình yên cho dân làng”- bà Ninh kể.
Không riêng bà Ninh, mỗi lần địch rải bom từ trường, thuỷ lôi, dân quân Hải Bình thành lập đội cảm tử để phá dỡ. Những cái tên Đào, Tự, Dung… thực sự là niềm tự hào của người dân Hải Bình vẫn còn lưu trong sử sách địa phương. Họ đã xung phong dùng thuyền lưới lẹp chèo ra sông dò, phá bom, thuỷ lôi giúp ngư dân địa phương yên tâm vươn khơi đánh bắt hải sản.
Bà Ninh tái hiện lại hành động tháo bom tấn cách đây 50 năm về trước.
Nuôi quân và cất vũ khí
Ngoài trực tiếp tham gia chiến đấu nhằm góp sức giành lại độc lập nước nhà, quê hương Hải Bình còn là nơi gắn bó máu thịt với lực lượng bộ đội bảo vệ đảo Mê. Sau khi đảo Mê được tiếp quản, xã Hải Bình trở thành nơi trung chuyển, tiếp tế cho đảo. Dân quân Hải Bình đảm nhận vận tải vật liệu xây dựng, nước ăn, lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, quân tư trang… từ đất liền ra nơi mà lực lượng quân đội đang ngày đêm bám trụ, chiến đấu với kẻ thù.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thức và gia đình ông Trần Văn Thuỳ, trú thôn Liên Thịnh là hai “cứ điểm” cất giấu quân lương, đạn dược thuở ấy. Bà Nguyễn Thị Mai (con gái ruột ông Thức) tâm sự: “Đó là thời điểm Mỹ bắn phá gắt gao cầu Ghép, cầu Đồi nhằm triệt hạ con đường giao thông huyết mạch. Bố tôi mang toàn bộ căn nhà ra làm kho cất giữ lương thực, thực phẩm và nuôi giấu bộ đội. Đến giờ, hàng năm vào những dịp lễ tết, bộ đội đảo Mê vẫn thường xuyên đến thăm hỏi gia đình”.
Bên cạnh gia đình ông Thức là ngôi nhà của gia đình ông Thuỳ cũng được sử dụng vào việc cất giữ vũ khí trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Hai ngôi nhà đó, sau này quân địch phát hiện cho rội bom phá huỷ. Bà Thi kể: “Khói lửa ngút trời, song rất may mắn, toàn bộ người thân của hai gia đình chủ động cảnh giác nên thoát nạn. Quân địch quần thảo trên trời không kể ngày hay đêm nhưng không làm lay chuyển được ý chí của người dân Hải Bình”.
Nói về những chiến công của quân, dân địa phương, ông Trần Văn Sơn- Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bình cho biết: Địa bàn xã có cả tuyến đường thuỷ, đường bộ Bắc - Nam đi qua, lại gần đường sắt nên được chọn làm nơi tập kết vũ khí, hàng hoá cho các đơn vị bộ đội đảo Mê. Vì vậy, quê hương trở thành mục tiêu đánh phá của địch.
Suốt trong 5 năm trời (1964-1968), địch ném bom phá tan xí nghiệp gạch Lạch Bạng làm 19 người chết và bị thương. Quân địch liên tục thả bom xuống đồng muối Tiền Phong, cửa hàng Hải Thanh, bắn trúng đội dân quân Hải Bình làm chiến sĩ Lê Văn Bảo chết và 11 người bị thương. Đau thương nhất là trận ngày 2/11/1972, một lần nữa Mỹ cho máy bay đánh vào thôn Liên Đình, Liên Hưng làm 44 người chết, 42 người bị thương đẩy sự căm phẫn lên tột đỉnh.
“Quân địch càng hung hãn bao nhiêu thì lòng căm thù của người dân Hải Bình càng nhân lên gấp bội. Từng người dân, từng thôn xóm kết thành sức mạnh quyết chiến với địch. Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Hải Bình luôn giữ danh hiệu quyết thắng”- ông Sơn nói. Giờ ngồi ôn lại kỷ niệm một thời máu lửa, những cái tên chúng tôi nêu trên vẫn hồn hậu với niềm tự hào và kiêu hãnh vì họ được góp sức mình vào việc giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Góp sức để quê hương Hải Bình được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.