Gặp người đạp xe xuyên Việt vì hiến mô, hiến tạng

Trần Ngọc Kha 20/05/2016 14:00

Cách đây ít phút (sáng ngày 20/5), chúng tôi vừa kết thúc cuộc trò chuyện tại Văn phòng Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (được đặt tại BV Việt Đức) với anh Trần Nguyễn An Khương, 28 tuổi, người vừa kết thúc hành trình xuyên Việt từ Cà Mau quê mình ra đến Hà Nội chiều qua, ngày 19/5.

Gặp người đạp xe xuyên Việt vì hiến mô, hiến tạng

GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm
Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) tặng hoa và lật lưu niệm của Trung tâm cho anh Trần Nguyễn An Khương.

Anh Khương tâm sự là vì muốn giúp mọi người thay đổi nhận thức cố hữu từ trước đến nay con người ta khi chết phải được toàn thây.

Để từ đó, đánh thức trong tâm, trí họ cũng như bản thân tích cực tham gia hiến tạng cứu sống người khác.

Hôm nay, tại văn phòng Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, mặc dù vừa vượt qua chặng đường đạp xe đạp gần 2.000 km xuyên Việt ròng rã trong suốt 1 tháng 7 ngày vừa qua, bị sút hơn 4 kg trọng lượng cơ thể (nay Khương chỉ còn 38 kg), Khương vẫn vui vẻ trả lời tất cả các câu hỏi của hơn chục phóng viên các báo.

Tính đến chiều qua, Khương nhẩm tính anh đã chi hết 3,7 triệu đồng/5 triệu đồng mang theo trong cả chuyến đi. Vị chi, trong 1 tháng 7 ngày đó, trung bình Khương giữ mức chi phí sinh hoạt bình quân 100.000 đ/ngày để uống nước mía, nhai bánh mì, mì tôm.

“Ơn trời em và chiếc xe không ốm”. Nói đoạn Khương kể anh mua chiếc xe này tại một cửu hàng tại quê ở Cà Mau với giá 2,3 triệu đồng. Hàng trang kèm theo trên đường của Khương ngoài mấy bộ quần áo, chiếc chai đựng nước… còn là chiếc túi vắt ngang phía sau xe đạp, bên ngoài có ghi những dòng chữ tuyên truyền hiến tạng rất mộc mạc, đơn giản mà thiết thực, dễ hiểu như: “Cho đi là còn mãi”, “Bạn có biết bạn có thể cứu người khác khi bạn ra đi”,…

Tất cả mọi chuyện được bắt đầu từ khi Khương có một người bạn bị suy thận rất nặng rồi mất lúc 24 tuổi, năm 2013. Các bác sĩ chỉ định bạn anh phải được thay ghép thận, mới có cơ hội sống.

Tuy nhiên, phần gia đình không có đủ khả năng tài chính, phần không tìm đâu ra được nguồn tạng để ghép nên bạn đã không còn cơ hội được như Khương ngày hôm nay nữa. Vào thăm, nghe bạn tâm sự: “Giá như ta có một phép màu nhiệm nào đó...”, vậy là hôm nay, Khương nảy sinh ý nguyện tự mình sẽ làm ra “phép mầu nhiệm” cổ vũ cho sự nghiệp hiến mô, hiến tạng này rồi tỏa sáng cho mọi người cũng tham gia, thỏa lòng bạn ước…

Được ba, mẹ đồng ý, bạn gái ủng hộ, động viên, trước hết, Khương đến Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đăng ký hiến xác, đến BV Chợ Rẫy đăng ký hiến toàn bộ tạng các loại. Trên đường đi xuyên Việt này, Khương tranh thủ tuyên truyền mọi người hiến tạng.

Trong những người đã gặp, có người cho rằng Khương khùng. Anh chẳng buồn mà chỉ cười để hy vọng sẽ thuyết phục được họ bằng chính việc làm nghĩa cả của mình cho sự nghiệp trị bệnh cứu người.

Nhiều người thấy vậy rất cảm kích anh và giác ngộ, hứa hẹn với anh dự định sẽ tham gia hiến tạng.

“Mới đây, qua tìm hiểu, em quyết định sẽ chấp nhận hiến tạng ngay cả khi mình còn sống”.

Tiếp chuyện Khương, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho hay ông rất cảm động trước việc làm đầy ý nghĩa của Khương.

Ông tâm sự với Khương: “Dù chúng ta đã làm hết cách vẫn chưa có nhiều người cho tạng, cũng đừng buồn. Việc đăng ký hiến tạng chỉ là thủ tục chứ không phải là chỉ dấu có tính quyết định. Có thể hôm nay bạn đăng ký hiến tạng, ngày mai thay đổi - không sao. Tôi quý bạn ở tấm lòng và chỉ một khi bạn thật sự thoải mái trong tư tưởng, đủ điều kiện và được sự chấp thuận, đồng thuận của mọi người trong gia đình, chúng tôi mới chấp thuận tiến hành lấy tạng của bạn để ghép cho người khác”.

Mỗi ngày, theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, ở BV Việt Đức bình quân có từ 1-2 người chết não. Tuy nhiên không phải ai cũng sẵn sàng cho tạng khi chết não. Hôm nay, trước sự kiện được chào đón sự viếng thăm của Trần Nguyễn An Khương và trước sự hiện diện đông đến bất ngờ các nhà báo tham dự, câu hỏi “Tại sao như vậy?” một lần nữa lại được cất lên từ miệng một người ngày ngày vẫn đau đáu kiếm tìm những cơ hội sống dù là mong manh nhất cho con người - GS.TS Trịnh Hồng Sơn. Tại cuộc trò chuyện này, người Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt vấn đề: Nếu Khương đồng ý, Trung tâm sẽ ký ngay với anh một hợp đồng hợp tác làm việc lâu dài để có thể tạo điều kiện, phát huy hiệu quả hơn cho Khương trong sự nghiệp tuyên truyền hiến tạng, hiến mô sắp tới. Tuy nhiên, GS cũng tâm sự với không chỉ Khương mà với cả các nhà báo: “Những người chấp thuận hiến tạng sẽ không có quyền lợi gì cả, theo đúng pháp luật. Phải thẳng thắn nói chuyện với nhau như vậy để mọi người hiểu đây là một việc làm hoàn toàn vì mục đích nhân đạo”.

Sau chuyến đi này, ngày mai, thứ bảy, ngày 21/5, Khương lại đạp xe ngay trở về để kịp đến Đà Nẵng cùng các thành viên Câu lạc bộ Xuyên Việt kịp bán đấu giá chiếc xe và các đồ vật dụng hành trình, lấy tiền ủng hộ các bệnh nhân nghèo tại BV 600 giường ở đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gặp người đạp xe xuyên Việt vì hiến mô, hiến tạng