Đinh Phương Anh là nữ nhạc sĩ “Đa di năng” của làng nhạc Việt, một “singer-songwriter” – ca sĩ-nhạc sĩ, không những thế Phương Anh lại còn là nữ ca sĩ hiếm hoi có khả năng sáng tác-đàn-hát với khả năng diễn tấu và đệm hát bằng rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau: Piano, Organ, Guitar, Violin, Tơ rưng…
Gặp gỡ với Phương Anh tôi chỉ đưa ra đúng 2 câu hỏi: “Với rất nhiều dòng nhạc đã trải nghiệm, đâu thực sự là phong cách của Phương Anh”, và “Bí quyết của sự thành công trong sáng tác âm nhạc”?
Trước câu hỏi của tôi, Phương Anh chia sẻ: “Chúng ta thường nói về dòng nhạc, về phong cách, về style, về “gu” âm nhạc khi nói đến một nhạc sĩ. Quả thật không cần giới thiệu chúng ta gần như nhận ra đến hơn 90% những tác phẩm của các nhạc sĩ có tên tuổi ở làng nhạc Việt.
Các nhạc như sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Nguyễn Ánh 9, Phú Quang và rất nhiều nhạc sĩ khác nữa đã để lại dấu ấn không phai mờ trong tâm trí của người nghe.
Đối với Phương Anh những tác phẩm của các nhạc sĩ đó rất đáng trân trọng và thực sự những tên tuổi đó đã để lại dấu ấn, để lại một hình ảnh và cả một tính cách trong không gian âm nhạc Việt.
Phương Anh thì lại có một quan điểm khác có thể là xa lạ về định hướng và con đường phát triển âm nhạc của mình. Đối với Phương Anh, một nhạc sĩ thành công là một nhạc sĩ có những tác phẩm có giai điệu và lời ca đi vào lòng người, được giới chuyên môn và công chúng đón nhận nhưng không ai có thể nhận ra tác giả. Phong cách của Phương Anh chính là không phong cách”.
Theo Phương Anh, làm nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng luôn luôn cần sự sáng tạo nhưng trên cơ sở sự kế thừa của nền tảng văn hóa. Một tác phẩm lặp lại về ý tưởng về giai điệu về cấu trúc thì đó là một sự không thành công rồi, thậm chí là ở một mức độ thì sẽ thành đạo nhạc, đạo nhạc của người khác thì sẽ bị xã hội lên án, còn đạo nhạc của chính bản thân mình thì người nghệ sĩ đã trở thành xói mòn.
Cái đáng sợ nhất trong nghệ thuật đó là vết mòn, mòn trong suy nghĩ, mòn trong tác phẩm, con người trở thành một màu, đơn điệu, nhàm chán và là một nhân bản của chính mình. Cuộc sống vốn là phong phú, đa dạng, đa sắc thái, đa sắc màu, đa chiều. Nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng là tấm gương phản chiếu và ở mức độ cao hơn khái quát hóa và nâng tầm văn hóa của cuộc sống, vì thế nó cũng phải đa dạng và đa chiều như thế. Người nghệ sĩ và nhạc sĩ phải có sứ mệnh chuyển tải thông điệp của cuộc sống qua lăng kính đa chiều như vậy.
Phương Anh có quan niệm như thế nên luôn luôn học hỏi không ngừng nghỉ để học hỏi từ cuộc sống và tự đổi mới bản thân và đổi mới sắc thái cho âm nhạc của mình. Và vì thế nếu nghe nhạc của Phương Anh mà nhận ra Phương Anh thì đó là sự lặp lại và tác phẩm đó là không thành công rồi. Vì những điều đó mà Phương Anh luôn muốn đổi mới mình, đổi mới thể loại, phong cách và muốn được trải nghiệm thật nhiều. Suy cho cùng không đổi mới, không còn gì thay đổi có nghĩa là con người đã chết và tác phẩm cũng đã hết.
Còn nói về bí quyết của thành công, đối với Phương Anh bí quyết không có gì đặc biệt, đơn giản chỉ là “Hóa thân với tình yêu”. Mỗi dòng nhạc, mỗi thể loại đều có những đặc trưng của riêng nó với không gian và nền tảng văn hóa cũng rất riêng, thế nên muốn được là tấm gương phản ánh, muốn là hơi thở của dòng nhạc đó thì bắt buộc người nhạc sĩ phải đắm chìm trong nền âm nhạc đó và phải hóa thân thành các nhân vật các chủ thể trong tác phẩm của mình.
Ngoài việc hóa thân để tìm tòi sự kế thừa văn hóa ra thì điểm chốt thứ hai cũng mang tính quyết định đó là “Tình yêu”. Sống và làm việc mà thiếu vắng tình yêu thì cuộc sống và kết quả của lao động sẽ hời hợt và nhạt nhòa. Một tác phẩm mà không có cảm hứng, không có tình yêu hàm chứa thì cũng không thể “ra hồn” hay không thể lay động được trái tim của người nghe. Nếu khi lao động nghệ thuật, tình yêu có thể chưa đủ thì chí ít cũng phải “để tâm” tới công việc với lao động của chính mình thì mới có kết quả. Như vậy để có được tác phẩm được ghi nhận được công nhận thì nhất thiết tác phẩm đó phải được tôi luyện, ấp ủ và nuôi dưỡng trong tình yêu, hoặc chí ít thì cũng phải là người lao động có “tâm”…
Đinh Phương Anh giành Huy chương Vàng Tiếng hát Học sinh – Sinh viên toàn quốc năm 1994, gia nhập Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2013. Chị đã giành được nhiều giải thưởng về âm nhạc như: Lọt vào danh sách 10 bài hát xuất sắc nhất năm 2014 của Hội Âm nhạc Hà Nội với ca khúc Hà Nội bên khung cửa mùa thu, Giải C của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2016 với ca khúc Hà Nội trong nỗi nhớ, giải Nhì cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi do Sở Giáo dục Đào tại Hà Nội tổ chức… Hiện chị đang trực tiếp dạy khí nhạc và thanh nhạc tại Trung tâm nghệ thuật New Day. |
Nghe bài “Nỗi nhớ theo mưa chiều” do Đinh Phương Anh sáng tác và thể hiện: