“Quê gốc ở xã Tân Lập huyện Đan Phượng (Hà Tây cũ) nhưng sao lại “Người xứ Nghệ Kiev” nhỉ?”. Vừa gặp chị là tôi vội hỏi luôn. Hỏi như nếu không hỏi hôm nay thì ngày mai sẽ quên mất . Chị nói “Dịp này mình về nước cưới con”. Ừ nhỉ. Chị về thì tôi mới gặp được chị hôm nay chứ.
Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý.
Năm 1988, khi vừa 19 tuổi, cô học sinh giỏi văn toàn quốc của trường Trung học phổ thông Trần Phú, thị xã Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc là nơi sinh ra và lớn lên) trở thành nữ công nhân nhà máy dệt tơ lụa Đanhitsa tận bên nước cộng hòa Ukraina (Liên Xô). Và cô đã sống, đã lao động và đã làm thơ tròn năm trên đất nước của “Sông Dnhepr đẹp như bức tranh”. Thời gian trôi nhanh và trôi xa nhưng Đỗ Thì Hoa Lý còn nhớ như in hôm chia tay mái trường yêu dấu, cô đã đọc thơ “Một tiếng ve một màu hoa phượng đỏ/ Ôi mái trường nuôi ấm cuộc đời tôi/ Nay phải xa tôi thấy lòng bịn rịn….”. Lòng bịn rịn nhớ nhung về nơi nuôi ấm cuộc đời mình cũng chính là mục đích sống để cho dù ngày tháng qua đi nhưng quê hương Việt Nam chẳng khi nào nguôi ngoai trong tâm khảm.
Từ 7 năm nay, nghĩa là từ tháng 10 năm 2011 trên Internet xuất hiện một trang web có tên là “Người xứ Nghệ Kiev”, đó là một diễn đàn văn hóa văn nghệ của cộng đồng người Việt đang sinh sống, công tác và học tập ở đất nước Ukraina. Một diễn đàn phi lợi nhuận nhưng lại có số lượng người truy cập lên tới gần 22 triệu người (tính đến hôm nay). Ban đầu, theo những người sáng lập trang “Người xứ Nghệ Kiev” cho biết, trang chỉ đưa thông tin về hoạt động đồng hương Nghệ Tĩnh tại thành phố Kiev, thủ đô nước cộng hòa Ukraina mà thôi. Một trang mạng tự phát và có tính hội nhóm đơn thuần. Qua vài tháng “lên sóng” trang “Người xứ Nghệ Kiev” nhận được sự ủng hộ và quan tâm của nhiều người. Những người Nghệ Tĩnh ở Kiev nói riêng và người Việt Nam ở Ukraina, ở Nga kháo nhau rồi rủ nhau vào truy cập. Dường như ở nơi xa xôi những người “đồng hương” lại tìm thấy ở đây một “sự xích lại gần nhau” không gì hữu hiệu hơn và tích cực hơn. Thế là từ việc nắm bắt về chuyện làm, chuyện ăn, chuyện ở người Việt xa xứ có nhu cầu được biết thêm, biết nhiều, biết nhanh về tình hình văn hóa xã hội ở trong nước và trên thế giới, muốn tìm hiểu chính sách của nhà nước Việt Nam đối với kiều bào. Vậy là những người quản trị trang “Người xứ Nghệ Kiev” đã nâng cấp và mở rộng trang web hiện hữu thành trang báo điện tử. Một tờ báo mạng và cũng là nơi giao lưu của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Sau 3 năm làm cô thợ dệt và như một nhân duyên định sẵn, đúng vào dịp đó Đỗ Thị Hoa Lý gặp chàng trai Nguyễn Văn Thái. Anh Thái trước khi sang Ukraina làm lao động xuất khẩu là lính đảo Ngọc Vừng (huyện đảo Vân Đồn), hình như vẻ từng trải của chàng trai quê biển Quảng Yên, Quảng Ninh đã nhanh chóng “hớp hồn” cô thợ dệt yêu thơ. Họ nên duyên chồng vợ năm 1991và ở lại định cư ở Kiev. Còn nhớ dạo đó Liên Xô bắt đầu tan rã, khó khăn mọi bề nên đôi vợ chồng trẻ quyết định rời nhà máy để... đi buôn. Chợ Troeshina ở thủ đô Kiev từ năm 1992 xuất hiện một tiểu thương mới người Việt chuyên buôn bán vải vóc kiểu như “còn giữ chút nghề” dệt tơ lụa của những năm làm thợ. Đỗ Thị Hoa Lý cho biết gia đình chị lấy việc buôn bán vải vóc làm nguồn thu nhập chính, nuôi mình, nuôi con và nuôi luôn cả “nghiệp” viết báo làm thơ và quản trị trang báo mạng của chị.
Tôi đùa “Một bà buôn vải làm thơ” rồi hỏi thật thà “Vậy can cớ gì mà bà bén với Người xứ Nghệ Kiev”. Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý bấy giờ mới thong thả kể chuyện. Chị ngồi chợ dăm sáu năm nhưng cái “máu” văn nghệ văn gừng chừng không dứt được. Cô học sinh giỏi văn những lúc rảnh rỗi và cả những lúc buồn chán đều hí hoáy làm thơ, hí hoáy ghi chép lại những điều mình muốn nhớ. Rồi năm 1997 Đỗ Thị Hoa Lý theo học dự bị tiếng Nga hệ đại học ở trường Đại học Tổng hợp Shevchenco, Kiev. Cô học để có cơ hội giao lưu nhiều hơn với người Nga và người nói tiếng Nga rất đông đảo. Sang năm 1998 Đỗ Thị Hoa Lý ngẫu hứng lên mà viết báo. Ban đầu cô viết cho tờ bán nguyệt san “Tuần tin quê hương” của Hội người Việt ở Kharkov, tờ báo được phát hành toàn Ukraina nên những bài cô viết có sức lan tỏa và được mọi người đón đọc. Đó chính là động lực để cô tiểu thương tích cực viết báo và cũng như một “định mệnh” Đỗ Thị Hoa Lý gặp được anh Hồ Sỹ Trúc. Anh Trúc sang Ukraina năm 1989 là dân Nghệ chính cống (Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu), người đàn ông này là cháu mấy đời nữ sĩ Hồ Xuân Hương và hiện cũng là “dân buôn” ở chợ Troeshina. Họ nhanh chóng trở thành “cặp đôi hoàn hảo” khi cùng nhau xây dựng trang “Người xứ Nghệ Kiev” bởi họ cùng nhận thức ra rằng: Thời Internet là thời đại thông tin được phổ biến nhanh chóng, thuận tiện và phong phú. Công nghệ thông tin cũng chính là kênh phổ biến kiến thức, là nhịp cầu giao lưu phù hợp nhất cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, giúp họ gắn bó với quê hương như “chưa hề có cuộc chia ly” vậy.
Tôi lại hỏi “Trang báo phi lợi nhuận vậy anh chị lấy kinh phí đâu cho hoạt động?”. Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý “Anh Trúc may mắn là có vợ mình là chị Nguyễn Thị Thu Hà (cùng quê Nghệ An). Chị Thu Hà luôn hết lòng ủng hộ chồng và động viên chồng làm trang báo. Kinh phí do vợ chồng anh Trúc chị Hà lo toan”. Đúng là nếu không có trách nhiệm cộng đồng, nếu không có “máu đồng bào” thì dễ gì một trang báo điện tử do những người không phải “dân báo” lại không nằm trong một cơ quan đoàn thể nào tồn tại và phát triển được.
Tuy không được học chuyên môn báo chí cho đàng hoàng trường lớp nhưng nữ nhà báo Đỗ Thị Hoa Lý (giờ phải gọi chị là vậy mới đúng) lại rất chịu khó tự học và tìm hiểu qua các trang báo khác, qua bạn bè và kể cả qua con cháu. Sau 7 năm trang báo đều đều ra mắt với 18 chuyên mục. Có những chuyên mục được rất nhiều bà con đón đợi như: Thông tin trong nước và quốc tế. Thông tin hoạt động của hội đồng hương xứ Nghệ. Truyền thống xứ Nghệ. Người Việt trên thế giới và Văn nghệ. Riêng mục Văn nghệ do trực tiếp Đỗ Thị Hoa Lý phụ trách nên chị đã phát huy tối đa “sức mạnh” của mình. Vốn là nhà thơ nên chị luôn kết nối với các nhà văn nhà thơ có uy tín ở trong nước. Những đóng góp vào mục của các nhà văn nhà thơ đó đã khích lệ lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu đồng bào của bà con Việt kiều. Trang báo điện tử “Người xứ Nghệ Kiev” giờ đã vượt ra khỏi “xứ Nghệ” để lan rộng, lan khắp cộng đồng người Việt ở nước ngoài và lan về tới quê hương Việt Nam. Nói như nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, cộng tác viên lâu năm và thân thiết của trang thì “Trang này là một trang làm được điều có những trang báo điện tử khác chưa làm được. Đó là đã quy tụ được nhiều những gương mặt thơ đứng đắn”.
Sẵn đang nói về văn nghệ tôi bèn hỏi nhanh kẻo cũng không hỏi ngay sẽ quên mất “Vậy chị làm thơ đều đều đấy chứ?”. Đỗ Thị Hoa Lý bấy giờ mới “lộ nguyên hình” là một nhà thơ. Chị háo hức với tay lấy trên giá sách cuốn “Có khi nào chuyện chúng tôi bạn lại thêu dệt khác” rồi nắn nót viết đề tặng tôi. Đây là một tác phẩm dịch thơ của Tachiana Dziuba và Sergey Dziuba những nhà thơ Ukraina được đánh giá là “sự hội tụ của trí tuệ mẫn tiệp” và luôn coi thi ca là “ngôi đền thiêng liêng”. Tập thơ dịch này Đỗ Thị Hoa Lý dịch chung cùng nhà thơ, dịch giả Nguyễn Huy Hoàng bền bỉ suốt 2 năm và do NXB Hà Nội ấn hành 2018.
Rồi Đỗ Thị Hoa Lý khoe, chị đã có nhiều bài thơ được các nhạc sĩ ở trong nước như Quỳnh Hợp như Trần Xuân Lâm phổ nhạc. Bài hát “Hịch Biển Đông” được Quỳnh Hợp phổ từ bài thơ “Khi Tổ quốc bão giông” đã được phát trên sóng Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Thơ của Đỗ thị Hoa Lý sâu đậm tình yêu quê hương đất nước, như “Quê hương ơi máu thịt đã định hình/ Chắt chiu cho tôi giọt mồ hôi mặn chát/ Dâng cho tôi mùi hương dịu ngọt/ Trong ngọn đòng đòng bông lúa uốn câu” (Quê hương tôi) hay “Biển mặn mòi yêu thương/ Biển mặn mòi sức sống/ Biển cồn cào khát vọng/ Bát ngát những chân trời” (Khi Tổ quốc bão giông) hoặc “Anh kể rằng biển mặn bởi yêu thương/ Bởi tình yêu chắt chiu thành sóng nước/ Giọng lính cứ âm vang lồng ngực/ Át tiếng sóng gầm át bão tố phong ba”. Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý cười bài thơ “Chuyện người lính đảo” này tôi lấy cảm hứng từ những câu chuyện của chồng tôi”.
Chuyện rồi cũng phải nói câu chia tay. Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý xin lỗi vì chị phải chuẩn bị mấy việc cho lễ “lại mặt nhà gái” vào sáng mai. Tôi thành thật “Thế bà mẹ chồng có định nói gì không?”. Chị thật lòng “chỉ mong muốn tờ báo phát triển hơn, gần gũi hơn với bạn đọc và hình ảnh quê hương luôn ở bên cạnh ở trong tim mỗi người Việt Nam”.
Trang báo điện tử “Người xứ Nghệ Kiev” giờ đã vượt ra khỏi “xứ Nghệ” để lan rộng, lan khắp cộng đồng người Việt ở nước ngoài và lan về tới quê hương Việt Nam. Nói như nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, cộng tác viên lâu năm và thân thiết của trang thì “Trang này là một trang làm được điều có những trang báo điện tử khác chưa làm được. Đó là đã quy tụ được nhiều những gương mặt thơ đứng đắn”. |