“Chi phí không chính thức và môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự bình đẳng – đó là hai chỉ số hầu như không có sự chuyển biến so với những lần khảo sát trước đây” – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh tại buổi công bố báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 diễn ra sáng 31/3, tại Hà Nội.
TP Đà Nẵng là địa phương năm thứ 3 liên tiếp trụ vững ngôi đầu bảng. Ảnh TL.
Năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng giữ ngôi đầu
Theo Bảng xếp hạng được VCCI công bố, Đà Nẵng là địa phương năm thứ 3 liên tiếp trụ vững tại ngôi đầu bảng với số điểm 68,3. Với việc cải cách thủ tục hành chính, gom các cơ quan về một trung tâm, tỷ lệ DN không phải đi lại nhiều để lấy dấu và chữ ký tăng từ mức 67% năm 2014 lên 70% năm 2015, tỷ lệ cán bộ công chức làm việc hiệu quả của tỉnh này cũng tăng từ 71% lên 76%... Đà Nẵng xứng đáng được đứng ngôi đầu trong bảng xếp hạng PCI 2015.
Là địa phương nằm ở vị trí “khuất nẻo”, Đồng Tháp đang dần xác lập hình ảnh một chính quyền gần dân và DN. Năm nay, Đồng Tháp tiếp tục duy trì được phong độ của mình khi đứng ở vị trí thứ 2 ngay sau Đà Nẵng. Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp Đồng Tháp đứng trong top 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI của cả nước. Tiếp đến là Quảng Ninh (65,7 điểm), Vĩnh Phúc (62,5 điểm), Lào Cai (62,3 điểm)… đều là những tỉnh có nhiều sáng kiến cải cách hành chính và đổi mới chất lượng điều hành.
Trong số các tỉnh miền núi phía Bắc, Lào Cai đứng đầu khi góp mặt trong top 5, trong khi hai tỉnh “láng giềng” là Lai Châu và Hà Giang lại xếp trong nhóm 3 tỉnh có PCI thấp nhất. TP Hồ Chí Minh được đánh giá có năng lực cạnh tranh tốt, nằm trong top 6 với 61,36 điểm. Trong khi đó, Hà Nội đã “chạy xa” khỏi top 10 và đứng ở top cuối bảng khi chỉ đạt được 59 điểm.
Năm nay nhóm cuối bảng xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế PCI có sự thay đổi chút ít khi xuất hiện tỉnh Đắk Nông, còn lại vẫn là các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Bắc Kạn. Theo TS Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, một trong những lý do khiến cho những địa phương này khó thăng hạng chính là bởi đây là các tỉnh có những hạn chế lớn về vị trí địa lý không thuận lợi và cơ sở hạ tầng kém phát triển.
Chỉ số “chi phí không chính thức” không giảm
Nhận định về những xu hướng tích cực trong các chỉ số PCI, Báo cáo của VCCI chỉ ra rằng: Tại các địa phương hiện nay, thời gian để cấp giấy chứng nhận đăng ký DN đã được rút ngắn ở mức kỷ lục trong vòng 11 năm. Hiện nay, thời gian chuẩn bị hồ sơ và đi lại chỉ mất 8 ngày để có giấy chứng nhận đăng ký DN trong khi trước đó, DN phải mất gần 2 tuần mới có được giấy đăng ký.
Đà Nẵng xứng đáng được đứng ngôi đầu trong bảng xếp hạng PCI 2015.
Năm 2015 cũng là năm đánh dấu những cải thiện trong công tác cải cách hành chính. Báo cáo của VCCI chỉ ra rằng, có 51% DN tham gia khảo sát PCI năm 2015 cho biết: Thủ tục giấy tờ đơn giản hơn, 61% tỉnh trung vị cho hay “DN không phải đi lại nhiều lần để lấy con dấu và chữ ký”. Đặc biệt, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế cũng được các DN phản ảnh rõ nét, thời gian thanh tra thuế đã giảm đáng kể từ 8 giờ xuống còn 4,5 giờ/ cuộc, đây là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Đánh giá về chỉ số PCI 2015 của các địa phương, TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng: “Nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện. Nhiều chỉ số có sự cải tiến đáng khích lệ như đăng ký DN, tiếp cận thông tin, cải cách thủ tục hành chính… tuy nhiên, chi phí không chính thức chưa có dấu hiệu giảm bớt, môi trường kinh doanh vẫn chưa bình đẳng – đó là hai chỉ số hầu như chưa thấy có sự biến chuyển”, TS. Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Lộc, vai trò của các địa phương rất quan trọng trong sự phát triển của môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh tốt lên hay xấu đi phụ thuộc vào sự điều hành của lãnh đạo địa phương đó. Như vậy, gấp rút hoàn thiện môi trường kinh doanh là vấn đề đặt ra.
Theo nhận định của TS Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhiều năm qua dự án PCI nỗ lực thúc đẩy tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích chính quyền các địa phương cải thiện môi trường kinh doanh. “Cải thiện năng lực cạnh tranh chính là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam phát triển thành công và toàn diện hơn” – TS Ted Osius nói.
Một trong những điểm mới của báo cáo năm nay là khảo sát 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam, nhằm thu thập những đánh giá về môi trường kinh doanh Việt Nam, khả năng hấp thụ và hiệu ứng lan toả của nguồn vốn FDI tại các tỉnh, thành phố. Các nhà đầu tư FDI cho rằng Việt Nam hiện là môi trường tương đối an toàn để kinh doanh, khi 60% đồng ý với nhận định trên, và 30% cho rằng Việt Nam có mức rủi ro tương đương các quốc gia khác.
Hai rủi ro chính mà các DN nước ngoài quan tâm là thay đổi về nền tài chính quốc tế hoặc trong nước; và những thay đổi về luật, quy định khiến lợi nhuận kinh doanh giảm sút. Báo cáo của VCCI cũng cho biết, khoảng 70% DN FDI thừa nhận họ phải bỏ ra trên 5% tổng quỹ thời gian để giải quyết các thủ tục hành chính. Trong khi đó, việc tiếp cận các tài liệu quan trọng như quy hoạch và dự toán ngân sách địa phương có chiều hướng ngày càng khó khăn hơn với các DN này.