Theo đánh giá của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: Ước thực hiện cả năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội đạt và vượt mục tiêu, trong đó tăng trưởng GDP ước khoảng 8%.
Ngày 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế, xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, bối cảnh, tình hình thế giới năm 2022 có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, vượt khỏi khả năng dự báo của các nước và tổ chức quốc tế. Xung đột Nga - Ukraine, các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; căng thẳng ở eo biển Đài Loan; các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc; thiên tai, lũ lụt, hạn hán kéo dài trên diện rộng ở Trung Quốc, các nước EU đã làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, lạm phát tăng cao đột biến trong khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc, thậm chí đối mặt nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế, đối tác lớn.
Trong nước, thực hiện Chương trình tiêm chủng và áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; cùng các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đời sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường; kinh tế - xã hội cả nước phục hồi tích cực.
Tuy nhiên trong bối cảnh đó, theo đánh giá của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, nhất là Quý III tăng 13,67%. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI 9 tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đồng Việt Nam được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. Các lĩnh vực của đời sống xã hội tiếp tục phát triển toàn diện hơn. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, thực hiện tốt các cam kết COP26.
Đáng chú ý, hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức thành công, có tác động rất lớn, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành văn hóa. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh; công tác thi hành án dân sự, nhất là xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tiếp tục được quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, cục diện đối ngoại được giữ thuận lợi.
“Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Ước thực hiện cả năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội đạt và vượt mục tiêu, trong đó tăng trưởng GDP ước khoảng 8%; CPI khoảng 4%. Đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo; đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”-ông Thanh khái quát.
Bên cạnh đó dẫu tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là Quý III cao, song ông Thanh cho rằng, không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp (Quý III/2021 GDP giảm hơn 6%). Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội thấp hơn so với mục tiêu (ước tăng 4,7-5,2%, mục tiêu là 5,5%) mặc dù tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt khoảng 2%.
Cùng với đó, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn hạn chế; các gói hỗ trợ thực hiện còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất (2%) qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Việc “phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên” không thực hiện được, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Ông Thanh cho biết: Có ý kiến cho rằng bối cảnh hiện nay đã có nhiều điểm khác so với thời điểm xây dựng và ban hành Nghị quyết số 43, điều này cho thấy cần xem xét điều chỉnh, hoàn thiện một số chính sách trong quá trình thực thi, bảo đảm tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn.
Cơ quan thẩm tra cũng nhận thấy, xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước còn chưa sát, số tăng thu dự kiến lớn (ước vượt 14,3% dự toán), vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương chưa được bảo đảm. Tỷ trọng thu ngân sách Trung ương đang có xu hướng giảm dần trong tổng thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đặc biệt trong việc cân đối nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế vùng theo Nghị quyết của Đảng. Thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 3 năm không đạt dự toán, số thu thực tế rất thấp so với dự toán năm 2022, chỉ đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, giảm 37,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng thu ngân sách Nhà nước có dấu hiệu giảm trong những tháng sắp tới, không giống xu thế thông thường cũng là vấn đề cần quan tâm làm rõ.