Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, Chính phủ nhất quán chủ trương phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%.
Ảnh minh họa.
Theo Chính phủ, tăng trưởng GDP năm 2017 có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng lớn đến nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác, nhất là thu, chi và bội chi ngân sách nhà nước, nợ công,…
Chính phủ yêu cầu các ngành nghề, lĩnh vực chỉ đạo thực hiện quyết liệt kế hoạch đề ra, đồng thời tháo gỡ khó khăn để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2017.
Đánh giá cao mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đề ra, song nhiều người nhìn nhận và khẳng định mức tăng trên quá cao so với “sức khỏe” của nền kinh tế. Theo các chuyên gia kinh tế, quý 1 năm 2017 GDP tăng trưởng 5,1%, trong khi đó so với cùng kỳ năm 2016 mức này là 5,6%.
Nguyên nhân sụt giảm GDP không do tiêu dùng, không do tích lũy tài sản. Nhập siêu đang làm giảm GDP Việt Nam đến 4,42% trong năm 2017, năm 2016 chỉ 1,55%.
Những nước mà Việt Nam nhập siêu nhiều nhất chính là Hàn Quốc 9,3 tỷ USD, Trung Quốc là 9 tỷ. Với kim ngạch nhập siêu khá lớn thì xuất siêu của cả Việt Nam cũng không đủ bù khoản nhập siêu từ hai nước này.
Ngoài nhập siêu, những ngành xuất khẩu có kim ngạch lớn gặp sự cố kỹ thuật, ngành xuất khẩu chủ lực gặp khó về thị trường.
Chưa hết, tăng trưởng tín dụng cao mà kinh tế lại không tăng trưởng. Vậy thời gian qua tiền “chảy” vào đâu? Trong nhiều nguyên nhân thì có lý do tiền được “dội” vào bất động sản nên có thể chưa tạo được GDP. Phân bổ như vậy có hiệu quả hay không?
Con số GDP đi vào nhiều trong hoạt động của nhà nước, doanh nghiệp, xuất khẩu, nợ công, ngân sách, thâm hụt ngân sách cũng dựa vào GDP. GDP không chỉ là con số lập kế hoạch mà ảnh hưởng nhiều đến dự án kinh tế khác.
Dựa trên tình hình thực tế của nền kinh tế, ông Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright khẳng định, mục tiêu tăng trương GDP ở mức 6,7% là con số hoàn toàn bất khả thi. Với mức tăng này thì 3 quý còn lại phải tăng trưởng trên 7%.
Để tăng trưởng GDP đòi hỏi tốc độ tăng năng suất phải cao nhưng năng suất ở Việt Nam lại giảm. Trường hợp, bằng mọi giá đạt tăng trưởng sẽ phải bơm thêm dầu, thêm tiền, tuy nhiên với mức như hiện nay thì kinh tế không đủ điều kiện để tăng trưởng vì cả hai đều bất khả thi và không như mong muốn.
Liên quan đến khả năng tăng trưởng kinh tế trong năm 2017, Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,5% trong năm nay.
Tương tự, Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) dự báo, GDP Việt Nam tăng 6,3%. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,4% trong năm 2018 và 2019 nhờ tăng mạnh nhu cầu trong nước, sản xuất theo định hướng xuất khẩu.
Theo WB, mặc dù triển vọng trung hạn là tích cực, thế nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp nhiều rủi ro. Điển hình, chậm trễ triển khai cải cách ngân sách và chuyển đổi cơ cấu có thể làm tăng tính dễ tổn thương của nền kinh tế vĩ mô, giảm tiềm năng tăng trưởng.
Ngoài ra, sự gia tăng bất ổn của nền kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam qua kênh tài chính, thương mại, đầu tư.