Ghé lại Mũi Dinh

Minh Duy 15/04/2018 09:00

Mũi Dinh là một mũi đất và cũng là tên của một ngọn hải đăng thuộc xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang khoảng 30km. Đặc biệt, Mũi Dinh nằm ở vị trí khá hẻo lánh, đường đi còn nhiều khó khăn nên không quá nổi tiếng, chỉ mới được biết đến khoảng 2 năm nay. Nhưng cũng nhờ thế mà nơi đây vẫn giữ được nguyên vẹn nét mộc mạc, hoang sơ mà khiến những ai đã đặt chân đến đều không nỡ rời.

Ghé lại Mũi Dinh

Khi đến nơi, bạn sẽ thấy một thiên đường hiện ra trước mắt. Ấn tượng đầu tiên của du khách là dãi núi Đèo Cả có độ cao 629 mét vươn ra sát Biển Đông tạo thành nét duyên dáng độc đáo riêng có của Mũi Dinh. Núi vươn ra sát biển tạo thành vùng vịnh êm đềm, tàu thuyền vào neo đậu tránh bão an toàn. Du khách về Mũi Dinh tựa lưng vào đá núi buông cần câu hay tắm biển thỏa thích là một thú vui tao nhã.

Truyền thuyết kể lại rằng do biển Mũi Dinh có sức quyến rũ lạ thường nên ngày xưa các tiên ông thường đến đây ngồi ngắm biển hoàng hôn, câu cá và đánh cờ. Tại các hang động ở Mũi Dinh hiện nay còn lưu lại nhiều chiếc chén đá uống rượu của các tiên ông được dính chặt vào những phiến đá. Mũi Dinh có một tảng đá lớn gọi là Hòn Trống khi ta gõ vào mặt đá sẽ phát ra âm thanh vang rất xa.

Đường cát sa mạc chừng 1 km, nóng bỏng dưới tiết trời nắng như đổ lửa để đến Mũi Dinh không làm chùn bước du khách, bởi trước mắt bạn luôn mở ra những đường chân trời xanh ngắt, bãi Tràng sạch đẹp, những hòn núi đá nhấp nhô đủ mọi hình dáng. Một điều ấn tượng ở Bãi Tràng là bạn có thể thưởng ngoạn trọn vẹn theo 3 hướng khác nhau: từ mỏm núi Đại Bàng trên tuyến đường ven biển, từ đường đèo lên đỉnh hải đăng và trực tiếp lặn lội đến tận bãi.

Nhưng dù ngắm theo hướng nào, bãi Tràng vẫn hiện lên đẹp như tranh vẽ. Bãi cát mịn như kem, những đợt sóng vỗ nhẹ ru êm, khung cảnh hoang sơ, khoáng đạt,...hòa trong sắc xanh của mây trời, điểm xuyến những bông hoa dại vươn mình khoe sắc giữa nắng hạn, càng làm cho khung cảnh nơi đây thêm quyến rũ.

Những bãi đá, tảng đá quanh bãi những ngày đầu đông, rêu xanh càng phủ nhiều hơn, tạo nên những bối cảnh chụp ảnh kỷ niệm thêm lung linh. Một chiều đi dạo mát quanh bãi biển, đắm chìm du dương dưới làn nước xanh ngắt và ngắm hoàng hôn dần buông khuất sau ngọn núi, bạn sẽ cảm thấy lòng mình vui hơn, nhẹ nhàng hơn. Du khách có thể thuê thuyền kayak chèo ra biển quanh các bãi đá để ngắm cảnh hoặc có thể cắm trại qua đêm ngắm bình minh rực sắc hồng ở bãi Tràng.

Ghé lại Mũi Dinh - 1

Cuộc sống thường ngày của người dân Mũi Dinh.

Để đến được với hải đăng Mũi Dinh, du khách phải vượt qua sa mạc cát mênh mông, rồi tiếp tục men theo con đường nhỏ qua dốc núi thêm vài kilômet mới đến được ngọn hải đăng. Tuy đường đi nhỏ, khó, đồi núi uốn lượn, nhưng cảnh quan xung quanh hoang sơ tuyệt vời khiến du khách quên hết những mệt nhọc.

Vượt qua con đường nhỏ khó khăn ấy, du khách sẽ thật sự thích thú khi được phóng tầm mắt ra xung quanh toàn bộ Mũi Dinh tuyệt đẹp với làn nước biển xanh thẳm, ngây ngất lòng người.

Đá núi nhô ra biển xanh được tạo hóa xếp đặt tạo thành những hình thù lạ mắt. Có hòn đá như con trâu sau buổi cày nằm thảnh thơi nhai lại, cư dân ở đây gọi là hòn Ngưu Phục. Có hòn đá phẳng lì như bàn cờ của tiên ông thủa khai thiên lập địa ngồi đánh cờ bên bờ biển.

Anh Phạm Văn Cơ, Trưởng trạm Hải đăng Mũi Dinh cho biết: Đèn biển Mũi Dinh được người Pháp xây dựng đưa vào hoạt động từ năm 1904. Ngọn hải đăng cao 16 mét xây bằng đá ga nít rất vững chắc tọa lạc trên sườn núi cao khoảng 300 mét so với mặt nước biển.

Hiện nay, hải đăng sử dụng pin trời nạp vào bình ắc quy cung cấp năng lượng cho ngọn đèn biển công suất 100 W tỏa sáng 26 hải lý định hướng tàu thuyền đi lại trên vùng biển hai tỉnh Ninh Thuận- Bình Thuận. Ngọn Hải đăng Mũi Dinh không chỉ là “mắt biển” dẫn đường bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu thuyền mà còn là cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam.

Tiểu sa mạc là một trong những bối cảnh chính của bộ phim “Dấu chân du mục”. Du khách được thưởng ngoạn nét đẹp biến hoá huyền ảo của hiện tượng cát bay. Có lẽ do tác động của khí hậu khô hạn từ thuở khai thiên lập địa nên cát ở đây trắng mịn vào loại bậc nhất Việt Nam. Bạn có thể dạo trên cát, trải nghiệm xe địa hình ở khu du lịch Tanyoli tùy thích.

Giữa sa mạc cát nóng cháy da người, đâu đó vẫn có loài cây vươn mình trong cái nắng, cái gió khắc nghiệt để làm đẹp, tô điểm cho một vùng đất khô cằn. Không những có biển, gió và cát, mũi Dinh còn có khu lều trại, với những chiếc lều nhỏ xinh đặc trưng của thảo nguyên.

Đây chính là lí do vì sao mũi Dinh được ví như thảo nguyên của Việt Nam. Khi tận mắt nhìn thấy những chiếc lều này, chắc chắn rằng bạn sẽ không thể kìm nổi lòng mình và thốt lên nơi đây đẹp như thảo nguyên Mông Cổ vậy.

Rồi du khách có thể đến làng chài Sơn Hải để nghe câu chuyện “chạy gió” của ngư dân ở làng biển Sơn Hải. Khi biển động là họ kéo nhau xuống Bãi Tràng, Mũi Dinh cắm trại trên bờ, chờ gió vơi là chèo thúng ra hốt cá. Ngư dân ở đây tự đặt biệt danh cho mình là “những kẻ chạy gió”.

Chúng tôi hỏi “chạy gió” nghĩa là sao, một ngư dân giải thích: Ở đây ngọn núi Mũi Dinh chia eo biển ở đây ra 2 phần, mặt nam gọi là bãi Chọ thì hứng gió nam từ tháng 2 đến tháng 7 và mặt bắc thì dân địa phương gọi là bãi Tèng (tức bãi Tràng) hứng gió bấc tháng 8 đến ra giêng.

Ngư dân ở làng hiển Sơn Hải nghe hướng gió mà chọn ngư trường: mùa gió nam thì đi pha, đi bạn cho tàu cá lớn phía bãi Chọ, đến mùa gió bấc lại về bãi Tràng đi thúng. Phía nào cũng nhiều tôm cá. Tôm cá lũ lượt kéo vô tận mép sóng, chèo thúng ra một lúc là no cá. Có đêm biển động, mỗi ghe thúng kiếm được vài ba triệu đồng là chuyện thường.

Cho nên nhiều khi bị sóng đánh tơi tả, chao đảo sấp ngửa, mà nhiều người vẫn lao ra biển là vậy. “Làm nghề biển ở đây như giỡn nghịch với sóng gió”- ngư dân làng chài Sơn Hải ví von.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ghé lại Mũi Dinh