Lịch sử ghép tạng tại Việt Nam đánh dấu bằng ca ghép thận thành công đầu tiên vào năm 1992. Sau 30 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay, ghép thận tại bệnh viện đã đi vào thường quy và kết quả đạt được tương đương các trung tâm lớn trên thế giới.
Tại Việt Nam, ca ghép đầu tiên thực hiện tại Học viện Quân y 103 vào tháng 6/1992, đến tháng 12/1992, 2 ca ghép thận đầu tiên ở TP HCM được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nay, đã có 6.500 ca ghép tạng được thực hiện trên toàn quốc. Trong đó, số người được ghép thận là hơn 6.100. Cả nước có 23 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép 1 trong 6 bộ phận cơ thể người.
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM đã ghép thận thành công cho bệnh nhi từ người hiến tạng chết não. Bệnh nhi được hồi sinh chính là nam sinh 15 tuổi, sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Đồng Nai. Bệnh nhi học lớp 7 nhưng đã nghỉ học từ 2 năm nay vì bệnh chuyển nặng.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, tính tới nay bệnh viện đã thực hiện thành công 1.600 ca ghép tạng, trong đó chủ yếu là ghép thận - khoảng 1.400 ca. “Một trong những trường hợp ghép thận nói riêng và ghép tạng nói chung mà tôi nhớ nhất, đó là ca ghép đa tạng đầu tiên từ người cho chết não do Bệnh viện Việt Đức thực hiện. Từ người hiến tạng chết não, chúng tôi đã lấy tạng và ghép cùng lúc cho 5 bệnh nhân, cụ thể là 1 bệnh nhân nhận phổi, 1 bệnh nhân nhận tim, 1 bệnh nhân nhận gan và 2 bệnh nhân nhận thận. Đó là ca ghép lịch sử tại Bệnh viện Việt Đức cũng như tại Việt Nam và tháng 5/2010, chúng tôi đã tiến hành mổ cấp cứu vào ban đêm và tiến hành ghép đồng thời ngay sau đó cho 1 bệnh nhân nam 54 tuổi ung thư biểu mô tế bào gan và 2 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Đến thời điểm hiện tại, sau 12 năm theo dõi, sức khỏe của cả 3 bệnh nhân nói trên đều rất tốt. Đây là một trong những minh chứng cho thấy trình độ ghép tạng của nước ta không hề thua kém các trung tâm y tế lớn trên thế giới”.
Trao đổi về phương pháp điều trị ghép thận, bác sĩ Trần Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết, để điều trị suy thận giai đoạn cuối thì chỉ có 3 phương pháp chính, đó là chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận. Trong đó, ghép thận có thể xem là phương án tối ưu nhất vì có tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm lên tới gần 90%, sống sau 10 năm là 60-70%. Tỷ lệ này ở bệnh nhân điều trị bằng phương pháp chạy thận nhân tạo lần lượt là 31% và 9%. Quan trọng hơn là bệnh nhân sau ghép thận có được chất lượng cuộc sống bình thường, không còn phụ thuộc vào máy móc.
Theo các chuyên gia y tế, sau ghép thận, bệnh nhân ghép thận phải được theo dõi suốt đời sau ghép với định kỳ 1 - 2 tháng phải được kiểm tra ure, creatinin, công thức hồng cầu, bạch cầu, SGOT, SGPT, axit uric, glucose trong máu và protein nước tiểu. Cân nặng và huyết áp phải được theo dõi hàng ngày để duy trì chế độ ăn không tăng cân và dùng thuốc duy trì huyết áp cho phù hợp. Bệnh nhân phải được theo dõi nồng độ thuốc ức chế miễn dịch và điều chỉnh liều sao cho phù hợp với từng cá thể người bệnh; theo dõi các biến chứng nhiễm khuẩn, tim mạch, ung thư sau ghép, biến chứng do dùng corticoide và các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài...