Với 100% thành viên tán thành tại phiên họp ngày 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (gọi tắt là Pháp lệnh); có hiệu lực từ 1/9/2022. Trước đó, sáng ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mở phiên họp chuyên đề và cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trên cơ sở Tờ trình của Tòa án Nhân dân tối cao.
Đáng chú ý, đã có sự điều chỉnh so với dự thảo Pháp lệnh lần đầu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 15/8. Cụ thể, dự thảo trước đó quy định hành vi ghi âm, ghi hình phiên tòa và phát trực tiếp (livestream) trên không gian mạng bị phạt từ 7 - 15 triệu đồng. Riêng nhà báo ghi âm, ghi hình và phát trực tiếp mà không có sự đồng ý bị phạt từ 15 - 30 triệu đồng.
Trong khi đó, Pháp lệnh được chính thức thông qua đã bỏ quy định cụ thể về đối tượng nhà báo (cùng mức phạt tăng nặng); hành vi cụ thể livestream, đồng thời cũng phân định rõ các trường hợp ghi âm, ghi hình tại phiên tòa dân sự, hành chính và hình sự. Cụ thể, Pháp lệnh quy định: Phạt tiền từ 7 - 15 triệu đồng với hành vi “ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự”.
Ngoài ra, người vi phạm còn chịu hình phạt bổ sung gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện các hành vi vi phạm…
Như vậy, Pháp lệnh đã bỏ việc chỉ rõ đối tượng cụ thể (trong đó có nhà báo), chỉ quy định một khung xử phạt hành chính từ 7 - 15 triệu đồng; đồng thời nêu rõ quy định sẽ được thực hiện ở cả 3 tòa: dân sự, hành chính và hình sự.
Trước đó, dự thảo Pháp lệnh đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đặc biệt là với việc ghi âm, ghi hình phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng, trong đó nhiều ý kiến nói đến việc tác nghiệp của nhà báo tại Tòa.
Theo ông Nguyễn Công Phú - nguyên Phó chánh tòa Kinh tế TAND TP Hồ Chí Minh, tại khoản 4 và khoản 5 Điều 23 dự thảo không phân biệt đó là phiên tòa hình sự, dân sự hay hành chính. Trong khi đó, tại khoản 4 Điều 234 Bộ luật Tố tụng Dân sự và khoản 4 Điều 153 Luật Tố tụng Hành chính lại quy định nhà báo ghi âm, ghi hình Hội đồng xét xử hoặc người tham gia tố tụng tại phiên tòa thì phải được sự đồng ý của những người này. Còn Điều 256 Bộ luật Tố tụng hình sự thì không quy định.
Ông Phú cho rằng, quy định trong Dự thảo sẽ dẫn đến hai cách hiểu. Một là, nhà báo chỉ bị xử phạt khi phiên tòa đó là dân sự hoặc hành chính, còn phiên tòa hình sự thì không bị xử phạt. Thứ hai, nếu vi phạm nhà báo có thể bị xử phạt ở tất cả các phiên tòa mà không cần có sự phân biệt vì đã được quy định trong Pháp lệnh.
“Sự không rõ ràng này dễ dẫn đến tình trạng người có thẩm quyền xử phạt sẽ áp dụng máy móc pháp lệnh theo cách hiểu thứ hai” - ông Phú nói.
Ở đây cần phải thấy rằng việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa là quyền của nhà báo trong hoạt động nghiệp vụ tại các phiên tòa xét xử công khai, đã được quy định tại Điều 9, Điều 25 Luật Báo chí. Cùng đó, không phải lúc nào việc nhà báo ghi âm, ghi hình tại phiên tòa cũng đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng mà nó còn để lưu giữ chứng cứ về diễn biến thực tế. Từ đó, nhà báo chứng minh đã đưa tin đúng sự thật, để bảo vệ mình khi cần thiết.
Theo quy định tại Pháp lệnh mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp đúng đắn và đã sửa đổi phù hợp.
Thực tế cho thấy rất cần có quy định xử phạt hành chính đối với việc lạm dụng ghi âm, ghi hình, livestream gây rối phiên tòa, gây sức ép lên việc xét xử, tạo dư luận bất lợi trong quá trình tố tụng. Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, được áp dụng từ ngày 1/9 tới đây đã nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội khi đã có những điều chỉnh cần thiết.
Tuy nhiên, theo Pháp lệnh, với riêng nhà báo tác nghiệp tại tòa rất cần lưu ý cần đăng ký với Thư ký phiên Tòa trước khi khai mạc. Và chỉ ghi âm, ghi hình khi chủ tọa phiên tòa thông báo lại cho những người tham gia tố tụng biết. Trong trường hợp nếu người nào không đồng ý việc ghi âm, ghi hình họ, thì nhà báo không được ghi âm, ghi hình đối với người đó. Nếu không, sẽ vi phạm và sẽ bị xử phạt theo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.