Tang ma cho người đã khuất vốn là quan trọng với người Việt cổ, nó thể hiện sự hiếu kính với ông bà tổ tiên, nêu gương đạo đức cho con cháu hiện tại và sau này, và cũng nằm trong tín ngưỡng thờ phụng các linh hồn, vốn được coi là tồn tại trong vạn vật (không chỉ con người), gọi là Vạn vật hữu linh.
Người đã khuất, tiền nhân, cổ nhân, người xưa, vong linh… là những khái niệm cổ ở phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, có uy thế rất lớn và ảnh hưởng không nhỏ đến người sống hàng ngày. Trong cuốn Con rồng An Nam, hồi ký của vua Bảo Đại có viết: “Ở đất nước này, quá khứ chi phối hiện tại, người chết ảnh hưởng đến người sống, hơn cả người sống đối với nhau”.
Từ huyện lỵ Quốc Oai, đi về phía đường số 6, chừng 9 km là địa phận xã Cấn Hữu, gồm hai làng nằm trên con đường đê kéo dài, gọi là Cấn Thượng và Cấn Hạ. Từ đây đi vào chân núi Ba Vì với những bản Mường cũng chỉ 15-20 cây số. Văn hóa Mường giao thoa với văn hóa Việt rất rõ ràng trong ba làng cổ này. Ba làng đều có đình, đền, chùa rất đẹp và nhiều am miếu khác. Các bà già ăn mặc rất gần với người Mường. Váy cao và rộng, áo cánh, thắt bao tượng quanh thắt lưng, đầu vấn khăn.
Nếu trong làng có người chết, đặc biệt là người già, đám ma tổ chức vào ba ngày. Ngày đầu đi trình báo chính quyền, dựng rạp, báo tin cho bà con làng xóm. Và mọi người trong làng sẽ đến thăm hỏi, phân công giúp việc. Xa xưa hơn thời điểm 1966, những ngày này có ăn uống, do mọi người đến viếng đều mang theo thực phẩm. Năm 1966 là thời điểm chiến tranh, nên khoản ăn uống bị cắt bỏ, thay vào chỉ là uống chè, ăn trầu cau. Ngày thứ hai tổ chức múa Thập ân vào ban đêm. Màn múa có ban nhạc hiếu – phường Bát âm cử nhạc. Phường Bát âm đơn giản gồm: một trống cái (của làng), một trống con, một trống vỗ cao hai mặt, một nhị, một cò líu, một kèn loa, một kèn lá, một đôi chũm chọe. Nhân vật chính múa Thập ân là một đứa bé gái hoặc trai, chừng 10 tuổi, đội mũ rồng, mặc áo đen, nẹp đỏ, tay cầm xinh tiền, vừa nhẩy múa, vừa hát bài kể 10 công đức của cha mẹ với con cháu. Khi múa, người ta có thể thưởng tiền vào đĩa trước ban nhạc hiếu. Lúc đó ban nhạc hiếu là của địa phương, được ăn cơm với gia chủ, và hầu như không có tiền công, chỉ có tiền thưởng.
Ngày thứ ba, chọn giờ lành đưa ma ra đồng. Đi đầu là ông sư cùng với một người cầm canh phan là cái phướn buộc vào một cành tre tươi, theo sau một số vãi cầm phướn, có vài người cầm biển Tiêu tĩnh (giữ yên lặng) và Hồi tỵ (tránh xa) đi xung quanh. Tiếp đến là hai mươi ba cụ giăng một tấm lụa dài đội trên đầu – đây là cầu lụa đưa người xuống suối vàng, có một bà cụ đi cạnh rúc tù và. Tiếp đến là phường Bát âm và những người cầm phướn, đối trướng, lúc đó đối trướng không nhiều lắm, thường chỉ do những ông đồ làng viết chữ viếng vào một tấm vải lớn. Rồi người con trai trưởng, mặc tang phục đi giật lùi trước đòn kiệu. Áo quan được đặt trong đòn kiệu rồng rất lộng lẫy có đến 16 người khiêng. Sau đòn kiệu là toàn bộ gia đình, các cô dâu thì đi vài bước là phải lăn lộn ra mặt đất, cuối cùng là dân làng. Đám đòn kiệu đi chùng chình, cứ tiến ba bước lại lùi một bước. Khi nhập quan người ta thường bỏ ít tiền xu vào trong, gọi là tiền qua đò dưới suối vàng.
Nhà nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Phan Cẩm Thượng.
Toàn bộ đồ đạc của người đã khuất sau đó phải đốt, nhưng lúc đó kinh tế rất khó khăn, nên trước khi mất vài hôm, người ta chuyển người bệnh ra nằm chõng tre, rồi đốt chõng tre ngay chiều hôm thứ ba.
Trong cuốn Việt Nam phong tục, mục Việc Hiếu, Phan Kế Bính có khảo cứu như sau: Trong làng, nhà nào có người mất, phải kiếm trầu trình dịch lý, xin cắt đô tùy hoặc mười hai, hai mươi bốn, ba mươi người, nhiều ít tùy hiếu chủ; và có cơi trầu mời hàng xóm, mời bản tộc, mời làng, mời hội chư bà đi đưa đám.
Hiếu chủ phải gậy mũ ra đình lạy làng, rồi làng nhận lễ mới đem đô tùy vào cất đám. Cất đám phải có tiền lệ một vài đồng bạc để phân phát cho bọn đô tùy. Nhiều nơi phải có một tấm vải trắng quàng trên nhà táng, gọi là vải trắng. Tấm vải ấy cất đám xong thì chia cho đàn anh trong dân mỗi người một mảnh.
Nhà phú quý, đại gia thường sắm riêng một bộ đòn đại dư và cấp cho các người đô tùy mỗi người mấy vuông khăn vải trắng, một cái áo trắng ngắn để đi cho lịch sự. Ở các thành phố thì thường có hội tập phúc sắm đủ các thứ đồ tống táng, ai cần đến thì mượn cả người lẫn đồ trợ tang. Còn chốn hương thôn thì công dân săm chung bộ đòn đại dư, nhà tang chủ nói với dân, dân phải cắt hết người vào tang sự…
Việc tang ma theo lối cổ thực ra rất tốn kém, phiền phức, cho nên Phan Kế Bính có cho biết chỉ vì những tục lệ mà sinh ra Ma sống và Ma khó. Ma sống là những người còn sống lo con cháu mình không đủ tiền làm ma khi mình mất mà nợ làng, nên nộp lệ làng từ trước. Ma khó là gia đình tang ma phải nợ miệng, chờ đến ba năm đoạn tang, cải táng, mới làm ma mời làng, theo đúng tục lệ khi mất. Và Phan Kế Bính rất phê phán những nơi vì gia chủ nghèo, không biện đủ lễ mà người làng sơ sài Ông coi đó là tục thô bỉ, bạc bẽo, đồng thời đặt ra các hạng hiếu khác nhau cho người giầu, trung bình và nghèo, sao cho đều ổn thỏa, chứ không nhất nhất vì tục lệ mà nợ miệng.