Ghi ở huyện đảo Cô Tô - Bài 1: Những con tàu vượt sóng ra khơi

Đơn Thương (Bài 2: Làm giàu bằng du lịch) 14/07/2016 14:05

Được mệnh danh là “viên ngọc của đất mỏ Quảng Ninh”, Cô Tô là huyện gồm 50 đảo lớn nhỏ. Được thành lập từ năm 1994, cứ lầm lụi mãi cho đến khi có dòng điện lưới quốc gia vượt biển ra đây, Cô Tô mới chính thức bừng thức. Giờ, cùng điện lưới, cùng với sự đầu tư, Cô Tô đang được ví như “thỏi nam châm” thu hút khách du lịch khắp trăm miền. Theo bước chân du khách, hối hả vươn sóng ra khơi là tiền, là sự phát triển kinh tế cho một hòn đảo vốn nổi tiếng là cô quạnh này.

Tàu cao tốc ra Cô Tô.

Không chỉ là mùa vụ, không chỉ là những ngày nghỉ lễ mà giờ đây các ngày trong tuần, từ cảng Cái Rồng của Thị trấn Vân Đồn, du khách tấp nập xuống các chuyến tàu hiện đại, nhằm hướng Cô Tô mà thẳng tiến. Cùng với bước chân du khách, cùng với sự khám phá và trải nghiệm là thu nhập ngày một tăng cho người và đất của huyện 50 đảo này.

Một thời để nhớ

Trước đây, khi phương tiện đi biển còn hạn chế, đất Cô Tô vốn là chốn cô quạnh. Vậy nên từ thời phong kiến trở về trước, Cô Tô chỉ là nơi để cho các toán cướp biển lai vãng tìm đến trú ngụ, đất này chỉ là nơi hợp với kẻ mạnh bóng vía. Năm 1832, với sự đề xuất của Dinh điền Nguyễn Công Trứ, ra biển lập ấp và dẹp cướp, đảo Cô Tô chính thức “sống dậy” và bắt đầu trở thành nơi trú ngụ của ngư dân và bắt đầu có dân sinh sống.

Những năm trước, đến với Cô Tô, nghèo khó thiếu thốn không chỉ là kỉ niệm mà còn là sự ám ảnh của mọi người trong đó có tôi. Cách đây 8 năm, chính thức vào năm 2008, do sự điều động công tác của cơ quan, kết hợp với Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, theo Hải đội II, tôi đã có duyên đặt chân lên với đất Cô Tô. Tuy đi theo tàu quân sự, công suất vượt biển và sóng lớn nhưng gần 3 tiếng lênh đênh tôi mới đến được Cô Tô.

Ngày ấy, theo lời kể của cánh lính và tâm sự của dân trên đảo, tôi thấy quá trình vượt sóng ra đảo là cả một nỗi cơ cực. Lênh đênh với tàu gỗ, công suất nhỏ, phải mất nửa ngày người ta mới bắt đầu nhìn thấy màu xanh của Cô Tô như một “dấu chấm than” phía xa tít của đại dương. Ấy là khi trời thuận, sóng không quá cấp 5 thì các tàu gỗ chở khách này mới dám vượt biển để ra với Cô Tô. Còn khi sóng to hơn, người ta chỉ dám ngồi ở cảng Cái Rồng hay cầu cảng của huyện đảo mà ngóng mà chờ trong một sự ngao ngán đầy bất lực.

Ngày tôi ra Cô Tô, huyện đảo này chỉ có 2 công trình xây dựng có dấu hiệu của sự hiện đại ấy là trụ sở Ủy ban Nhân dân và Đồn biên phòng. Thời ấy, ra đây, muốn lưu trú lại, người ta không có sự lựa chọn, chỉ còn cách chui vào nhà dân hay tìm đến nhà khách của ủy ban huyện để trú ngụ. Điện đóm chả có, đêm xuống, toàn huyện chỉ trông chờ vào chiếc máy phát điện duy nhất của ủy ban, 19h bắt đầu nổ, cung cấp điện tối thiểu cho các cơ quan ban ngành và ít ỏi hộ dân sống gần ủy ban có 2 tiếng. 21h máy phát điện tắt, cả huyện chìm trong sự tăm tối cùng với thập thõm ngủ vùi.

Đảo Cô Tô vốn được mệnh danh là có đủ 3 yếu tố: ruộng, rừng, biển. Tuy nhiên ngày ấy, do không được tận dụng, không có chủ trương để khai thác thế mạnh nên tỷ lệ nghèo đói của huyện còn rất cao, người dân trên đảo trông chờ vào tài nguyên có sẵn. Hết trông ra biển thì người dân lại trông vào khai thác đá, cát- hai thứ tài nguyên dồi dào của đảo. Tuy nhiên, mỗi năm, việc đào bán hai thứ tài nguyên này ở đảo cũng đã đem lại cho tiểu thủ công nghiệp của huyện khoảng gần 700 triệu đồng.

“Nam châm” của biển khơi

Tuy nhiên, những kí ức nghèo khó một thời của Cô Tô giờ đây đã được xóa đi nhanh chóng, chỉ còn trong tiềm thức của những người đã một thời đặt chân đến. Giờ, nhất là khi dòng điện lưới quốc gia vượt đảo ra đây, tiềm năng du lịch được đánh thức, Cô Tô đã thực sự có cơ hội để khoác lên mình một “tấm áo mới”.

Với thế mạnh được coi là hoang sơ cùng với các bãi biển nằm giữa trùng khơi hiếm nơi nào có được như bãi tắm Tình yêu, Hồng Vàn, Vàn Chải… nên trong mấy năm gần đây Cô Tô đang được khách du lịch lựa chọn là nơi tìm đến để khám phá, nghỉ dưỡng của mỗi cá nhân và các hộ gia đình. Hành trình ra Cô Tô giờ thuận lắm. Tìm đến Cảng Cái Rồng, từ 6h đến 17h lúc nào bạn cũng tìm cho mình một chuyến tàu cao cấp để ra đảo. Tàu ra đảo ở đây 15 phút có 1 chuyến. Với 200 nghìn bỏ ra, bạn sẽ có cho mình 1 tấm vé, nếu đi tàu siêu tốc bạn chỉ hết 45 phút, còn tàu cao cấp bình thường thì khoảng 1h15 – 1h20 phút bạn cũng ra tới đảo.

Hiện nay, đưa khách ra đảo đang là một trong những hướng đầu tư, ăn lên làm ra của nhiều chủ đầu tư. Làm ăn được, nhiều cá nhân đã dám bỏ ra cả chục tỷ đồng để mua lấy vài cặp tàu chở khách kiểu này. Về quy mô làm ăn bằng nghề đưa khách ra đảo này phải kể đến những công ty lớn có tên như: Mạnh Quang, Nguyên Việt, Quang Minh, Ka Long, Hải Vinh.

Riêng với Công ty Nguyên Việt, hiện đã đầu tư 3 tàu với tải trọng chở 130 khách/chuyến. Mỗi ngày, một tàu của Nguyên Việt chạy 4 chuyến chặng Cái Rồng – Cô Tô và hướng ngược lại. Như vậy, trung bình tính, 1 ngày, 3 tàu của Nguyên Việt đã đưa, đón khoảng 1.200 khách ra đảo và cũng gần ấy lượng khách từ đảo vào đất liền.

Với vẻ mặt rạng rỡ, một nhân viên của tàu Nguyên Việt cho biết, sắp tới, công ty sẽ bỏ ra hơn 10 tỷ nữa để đầu tư 1 tàu chở khách ra Cô Tô. Việc đầu tư thêm tàu của Cty Nguyên Việt thể hiện lượng khách đến với Cô Tô ngày một tăng và hứa hẹn thêm những sự bừng thức của huyện đảo này trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ghi ở huyện đảo Cô Tô - Bài 1: Những con tàu vượt sóng ra khơi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO