Ghi ở huyện đảo Cô Tô - Bài cuối: Làm giàu bằng du lịch

Đơn Thương 15/07/2016 09:05

Ngoài hơn 250 ha lúa và đất gieo màu cùng nghề đi biển, nếu trông vào tiềm năng này, Cô Tô mãi mãi sẽ không thể vươn lên thoát khỏi nghèo khó. Kể từ khi có điện lưới, với các hạng mục du lịch, đặc biệt là hệ thống nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống được đầu tư, khách trăm miền đang đổ về Cô Tô. Đây được coi là vận may của huyện đảo Cô Tô.

Ghi ở huyện đảo Cô Tô - Bài cuối: Làm giàu bằng du lịch

Bãi biển Vàn Chải.

Cuộc sống “2 trong 1”

8 năm về trước, ra Cô Tô khách du lịch chỉ trông chờ vào vài nhà nghỉ trong đó có nhà nghỉ của Ủy ban huyện thì nay, ra với Cô Tô khách có đầy đủ nhu cầu ngủ nghỉ để lựa chọn. Nhà nghỉ, khách sạn đã có vài chục cái “đội” sóng gió để vươn lên giữa biển trời đón khách. Toàn dân làm dịch vụ, toàn dân có thu nhập đang là một chuyện hết sức thực tế ở đất này.

Đầu tư dịch vụ, đầu tư du lịch đang là một nghề hết sức hấp dẫn với toàn dân Cô Tô. Người ít tiền có thể mua xe máy để cho khách du lịch thuê “phượt” hay chạy xe ôm. Người nhiều tiền có thể đầu tư xe điện, ô tô để chở khách. Với mỗi xe điện, phương tiện chuyên chở khách đang được coi là ăn lên làm ra ở đất này, chỉ cần bỏ ra từ 100 – 300 triệu là chủ xe có thể có thu nhập từ 1 triệu đến 2 triệu/ngày trừ tất cả các khoản chi phí trong ngày cho cá nhân.

Với số dân hiện có trên đảo, nhưng theo tính toán, có những ngày, nhất là cuối tuần hay dịp lễ tết, khách du lịch tìm ra Cô Tô đột biến nên nhiều lúc, mỗi người dân hiện có trên huyện đảo Cô Tô phải “gánh” lấy trên vai đến… 2 khách du lịch. Nhiều khi Cô Tô rơi vào trạng thái “vỡ trận” do khách du lịch đổ ra quá nhiều.

Chính do sự “vỡ trận” và do nhà nghỉ khách sạn không đủ chỗ nên mấy năm trở lại đây, du lịch và ngủ nghỉ theo hình thức “tại gia” đang trở thành mô hình làm ăn của rất nhiều các hộ gia đình vốn là ngư dân và nông dân thuần khiết trên đảo. Đầu tư xây dựng phòng, đón khách tại các hộ gia đình đang là hướng để mỗi hộ gia đình trên huyện đảo Cô Tô kiếm thêm sinh kế cho mình.

Hôm tôi ra Cô Tô, không phải lễ tết, chỉ là ngày cuối tuần thôi mà 16h đặt chân lên đảo, tìm phòng, tôi đã không may mắn có cơ hội cho mình. Theo dân Cô Tô, nếu ra đây cuối tuần, phải điện thoại đặt phòng trước mới có thể kiếm được cho mình một nơi ngủ nghỉ. May mắn, tôi gặp một thầy giáo, Thạc sĩ Ngô Văn Tuấn. Tuấn vốn là dân gốc Hà Tĩnh, cha mẹ theo nghề chài lưới nên đã đặt chân lên Cô Tô. Sau kết đất này, theo chính sách di dân ra biển đảo nên cha mẹ Tuấn đã “đầu quân” và đưa toàn bộ gia đình ra đây.

Trước cơn sốt du lịch, thầy giáo Tuấn đã dành phần đất ít ỏi của mình, vay mượn để lấy tiền đầu tư phòng. Hiện “trong tay” thầy giáo trẻ này đã có 4 phòng nghỉ khép kín, nằm gần 2 bãi tắm là Tình yêu, Vàn Chải, lại thêm uy tín và cách phục vụ khách nên nhà Tuấn luôn là nơi tìm đến của không ít người. Năm ngoái, cô vợ cũng là dân sư phạm, học xong ra trường không gặp vận may xin việc nên Tuấn đã cho theo một lớp học nấu ăn. Đến với mô hình du lịch tại gia này của Tuấn, khách du lịch sẽ được ăn, được nghỉ, được tư vấn du lịch một cách hợp lý nhất.

Những thu nhập chỉ có ở… Cô Tô

Cùng với những sự nổi tiếng do thiên nhiên ưu đãi, khi phương tiện đi lại được đầu tư lại thêm có điện lưới nên khách du lịch đã ít bỏ qua hành trình du lịch khám phá với Cô Tô trong chuỗi ngày tìm đến Quảng Ninh. Làm du lịch đang được coi là thế mạnh, với những nguồn thu, nếu được tìm hiểu, ít ai lại không có sự thích thú cho mình.

Ngoài nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, xe ôm, xe điện, xe chở khách… thì người dân Cô Tô còn có nhiều nghề mà thu nhập đem lại phải khiến mọi người ước ao. Tại bãi biển Hồng Vàn, ngoài dịch vụ cho thuê thuyền, áo phao, bàn ghế ngồi, áo tắm và dịch vụ tắm nước ngọt thì nghề trông xe ở đây cũng đang hết sức “hót”. Cổng chính dẫn xuống bãi tắm của biển Hồng Vàn tôi đã gặp cậu bé có tên Ngô Mạnh Tiến. Hiện Tiến đang là học sinh lớp 5 trường Đồng Tiến.

Nhân những ngày nghỉ hè, Tiến đã ra giúp cha mẹ làm chân trông xe cho khách du lịch đến thăm thú và tắm biển Hồng Vàn. Gặp cậu bé, không ai không ấn tượng bởi sự nhanh nhẹn, hoạt bát và hiểu biết của em. Bằng việc đọc, nghe và nhờ em tư vấn như một sự mặc định về tên của bãi biển, ngủ nghỉ, ăn uống và thú tham gia lặn ngao, sò biển vào những buổi sang của bãi biển này. Theo Tiến, mỗi ngày trông xe ở đây, với 10 nghìn/xe máy, ngày đông em sẽ có thu nhập khoảng 1 triệu. Ngày bình thường, ít khách, em cũng có thu nhập không dưới 500 nghìn.

Riêng về khoản trông xe máy ở các bãi biển của Cô Tô này, nếu nhắc đến, không ai quên bà Nguyễn Thị Thà. Ngày bãi biển Vàn Chải mới được khám phá, trở thành bãi biển hoang sơ và thơ mộng thứ 2 trên đảo Cô Tô, do gia đình nằm ngay vị trí xuống và thuận lợi nhất của bãi tắm, không nề hà bà đã cùng gia đình hiến đất và tự đầu tư một đường dẫn xuống bãi biển.

Từ sự đầu tư và hiến đất này nên gia đình bà đã trở thành người hưởng lợi độc đắc với nghề trông xe trên bãi biển Vàn Chải. Trò chuyện, bà Thà cho biết, cùng với con cái trong nhà, mỗi ngày bà có thu nhập từ 2 triệu – 2,5 triệu/ngày. Những ngày ít khách, thu nhập của bà và gia đình cũng không dưới 1 triệu.

Thời gian ngắn ngủi làm khách du lịch trên đảo Cô Tô nhanh chóng qua. Tôi trở về trên tuyến tàu khách hiện đại để vào Cái Rồng, tuy là ngày đầu tuần nhưng những chuyến tàu ngược chiều chở khách ra Cô Tô vẫn hối hả rẽ sóng. Cùng với tàu, với khách là những hưởng lợi của dân trên đảo. Hy vọng rằng, đất và người Cô Tô sẽ được tiếp sức để vươn lên giữa trùng khơi cùng thế mạnh du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ghi ở huyện đảo Cô Tô - Bài cuối: Làm giàu bằng du lịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO