Chuyên gia cho biết, yêu cầu ghi tên người định cưới vào giấy xác nhận độc thân là không cần thiết, thậm chí vô tình sẽ phát sinh nhiều hệ lụy xấu từ thủ tục này.
Ngày 16/7 tới đây, Thông tư 04/2020/TT-BTP về quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Hộ tịch chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, thông tư đã có nhiều quy định về việc đăng ký kết hôn cũng như cung cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Cụ thể việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Đáng chú ý theo thông tư với trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp một bản cho người yêu cầu.
Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn.
Thông tư đã đưa ra 2 ví dụ: Ví dụ 1: Giấy này được cấp để làm thủ tục kết hôn với anh Nguyễn Việt K., sinh năm 1962, công dân Việt Nam, Hộ chiếu số: B123456 do Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức cấp ngày 1/2/2020; tại UBND huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Ví dụ thứ 2: Giấy này được cấp để làm thủ tục đăng ký kết hôn với anh Kim Jong Doek, sinh năm 1970, quốc tịch Hàn Quốc, Hộ chiếu số HQ12345 do cơ quan có thẩm quyền Hàn Quốc cấp ngày 2/2/2020; tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc, tại Hàn Quốc.
Đối với trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác, không phải để đăng ký kết hôn, thì người yêu cầu không phải đáp ứng điều kiện kết hôn; trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ mục đích sử dụng, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn. Số lượng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp theo yêu cầu.
Trước quy định này đã có nhiều ý kiến trái chiều thậm chí trên mạng xã hội đã có nhiều tranh luận xung quanh về quy định này.
Đánh giá về quy định này Luật sư Ngô Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Anh Tuấn, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị trong vòng 6 tháng, hoặc cho đến khi đăng ký kết hôn, tùy thuộc vào điều kiện nào đến trước.Trong thời hạn này, người xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân vẫn có thể từ chối kết hôn, thay đổi người dự định kết hôn. Tuy nhiên sẽ có rất nhiều hệ lụy xấu xảy ra với quy định không cần thiết này.
“Mặc dù giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không có giá trị pháp lý nhưng nhiều người có thể lợi dụng nhằm mục đích bôi xấu, đùa cợt hoặc trả thù ai đó khi đi xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, sau đó đăng lên mạng. Ví dụ như một chàng trai yêu thầm một ai đó nhưng suốt một thời gian dài không được đền đáp vì người con gái đó đã có người yêu. Vì muốn được thỏa ước mơ (dù chỉ là trên giấy tờ ảo) anh chàng đó đến xin đăng ký kết hôn và làm thủ tục xác nhận độc thân ghi tên người con gái dự định cưới và đăng lên mạng. Câu chuyện này chắc chắn có thể xảy ra, lúc đó câu chuyện sẽ rất bi hài”, Luật sư Ngô Anh Tuấn nói.
Cũng theo Luật sư Ngô Anh Tuấn dù thông tư quy định rõ việc ghi tên người dự định kết hôn vào Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ phục vụ cho trường hợp xin giấy để kết hôn, còn các mục đích khác như mua bán nhà, xin việc thì không phải ghi tên người dự định kết hôn.
Dù vậy nó cho thấy sự “thụt lùi” đáng tiếc bởi xã hội ngày càng văn minh thì những thủ tục nhiêu khê không cần thiết phải được lược bỏ chứ không phải thêm vào như vậy.
Đồng quan điểm Luật sư Nguyễn Hoàng Trang Đoàn Luật sư Hà Nội cũng cho rằng, quy định trên tại thông tư số 04 không phải mới mà đã được quy định tại Thông tư 15/2015/TT-BTP.
Theo đó, tại Điều 25 của Thông tư 15 nêu rõ, trường hợp sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì phải ghi rõ họ tên, năm sinh, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định làm thủ tục kết hôn. Tuy nhiên trong quá trình sửa đổi ngành chức năng cần phải có những đánh giá tác động để loại bỏ những quy định cũ không phù hợp, từ đó tránh việc sửa đổi vẫn để “ lọt” những quy định gây tranh cãi không đáng có.