Báo cáo tại Phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đang diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định: Qua phá các vụ án lớn cho thấy, có sự thông đồng tạo ra “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa cán bộ Nhà nước và doanh nghiệp, hình thành công ty “sân sau” thâu tóm đất công gây bất bình trong xã hội. Công ty bình phong vốn là một hình thức hoạt động được lập ra để lực lượng công an thực thi nhiệm vụ, song một số kẻ thoái hóa biến chất lại lợi dụng, làm giả cả những công
Điều đó đã được minh chứng sống động bởi những công ty được “gắn mác” là công ty bình phong của Bộ Công an do Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) điều hành, hay Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) do Nguyễn Văn Dương, trùm đường dây cờ bạc nghìn tỷ vừa bị triệt phá. Vũ “nhôm” đã ỷ vào các công ty bình phong để vi phạm pháp luật, thâu tóm nhà đất công ở những vị trí đắc địa tại các tỉnh, thành phố lớn với giá rẻ mạt, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Còn đối với trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương vừa bị Viện KSND tỉnh Phú Thọ truy tố 2 tội danh là tổ chức đánh bạc và rửa tiền, đã câu kết, móc ngoặc với cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát là cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an) là cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa lấy danh nghĩa Công ty bình phong CNC để tổ chức đánh bạc trực tuyến. Song, Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định, thực chất CNC không phải là công ty bình phong của Bộ Công an.
Mới điểm sơ qua hai vụ nổi cộm còn đang “nóng hổi”, được dư luận xã hội hết sức quan tâm đã thấy kẽ hở khá lớn trong việc kiểm soát đối với các công ty bình phong (cả thật và giả), cũng như việc kiểm soát quyền lực của các cán bộ, nhất là những người đang ở trong chính những cơ quan được giao nhiệm vụ phòng chống tham nhũng. Thực trạng một bộ phận cán bộ trong chính những cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan phòng chống tham nhũng lại có hành vi tham nhũng từng được Tổng Bí thư nhắc tới khá nhiều tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Không ít kẻ cơ hội đã lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, móc ngoặc tạo ra các công ty “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng để nhận thầu các dự án, thâu tóm đất công... Thực trạng vi phạm về tham nhũng và chức vụ diễn biến khá phức tạp. Thống kê của Bộ Công an cho thấy, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố 1.247 vụ, với 1.818 bị can phạm các tội vi phạm trật tự quản lý kinh tế (tăng 68,06% vụ và 42,03% bị can so với cùng kỳ năm 2017); 264 vụ, với 530 bị can phạm tội tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (tăng 27,54% vụ, 8,38% bị can).
Tất nhiên trong số các vụ việc liên quan đến tội phạm tham nhũng, chức vụ và kinh tế bị phát hiện, xử lý trong thời gian qua có những vụ tồn đọng từ trước đó. Song, dù mới phát sinh hay đã “ủ” lâu ngày thì cũng đã gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn để vơ vét cho đầy túi tham, chỉ nhăm nhăm vinh thân phì gia mà không quan tâm đến phát triển đơn vị, rộng hơn là đất nước. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nếu quyền lực được kiểm soát tốt thì sẽ hạn chế được khá nhiều vấn nạn tham nhũng, xa hoa, lãng phí.
Lẽ dĩ nhiên khi mà quyền lực của cán bộ được kiểm soát chặt chẽ thì sẽ không ai dám tự tung, tự tác để tham nhũng, hay chí ít là dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật. Khi mà kiểm soát tốt quyền lực thì làm sao có thể phát sinh một Vũ “nhôm” một tay che trời, lộng hành, khuynh đảo dải đất miền Trung suốt một thời gian dài. Nếu kiểm soát tốt quyền lực sẽ không có một đương kim Thứ trưởng Bộ Công an, một nguyên Thứ trưởng Bộ Công an bị cách hết các chức vụ trong Đảng, cách chức Thứ trưởng vì đã tiếp tay cho Vũ “nhôm” làm bậy.
Sự câu kết móc ngoặc để tạo ra nhóm lợi ích càng thể hiện rõ trong vụ việc 2 người từng là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đã bị cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố hình sự. Theo cáo buộc, các bị can Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến không chỉ đơn giản là chưa làm tốt chức trách được giao, buông lỏng quản lý khiến hàng loạt nhà đất công sản bị Vũ “nhôm” thâu tóm, mà các bị can này còn có hành vi vụ lợi, tiếp tay, dung dưỡng cho các hành vi vi phạm pháp luật của Vũ “nhôm”. Nếu có sự giám sát quyền lực chắc hậu quả đã không nặng nề đến vậy.
Và mới đây thôi, nếu kiểm soát tốt quyền lực thì làm sao có một trung tướng, một thiếu tướng ngang nhiên chống lệnh cấp trên để bảo kê cho đường dây đánh bạc trực tuyến lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nói một cách dễ hiểu, nếu quyền lực của cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh được giám sát thì làm sao có chuyện tiền trảm hậu tấu, cho phép CNC tổ chức đánh bạc rồi xin cấp trên biến thành công ty bình phong của Bộ Công an? Hay nếu cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa không có sự thông đồng câu kết với bị can Vĩnh thì làm sao có thể cấm cấp dưới điều tra CNC...
Hàng loạt ví dụ trên cho thấy kết luận của Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương là hoàn toàn xác đáng, khi khẳng định có sự thông đồng, câu kết tạo lợi ích nhóm, móc ngoặc giữa những người trong và ngoài nhà nước để lập các công ty sân sau, công ty gia đình, hoặc thậm chí làm giả cả công ty bình phong để vụ lợi. Đương nhiên là dù có gian giảo, thủ đoạn có tinh vi đến đâu thì cuối cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng vẫn phát hiện, xử lý nhờ sự cảnh giác cao độ, giám sát chặt chẽ của các tầng lớp nhân dân trong xã hội, trong đó có báo chí truyền thông. Hy vọng, trong một tương lai không xa, vấn nạn tham nhũng, tiêu cực sẽ bị khống chế, đẩy lùi.