Thông tin từ Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang ngày 6/3 cho biết, hiện cá tra quá lứa (trọng lượng từ 1,2- 1,5 kg/con) sụt giảm chỉ còn 17.400- 18.000 đồng/kg, bình quân người nuôi chịu lỗ từ 4.000- 5.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán.
Trong khi đó, cá tra trọng lượng từ 0,8- 1 kg/con có chiều hướng tăng nhẹ từ 19.000 đồng/kg (thời điểm tháng 2-2016) lên 20.000 đồng/kg, song người nuôi vẫn lỗ khoảng 2.000 đồng/kg so chi phí đầu tư.
Theo người nuôi cá tra, do giá cá tra giảm quá sâu và kéo dài trong nhiều năm nay khiến hàng loạt hộ nuôi ở ĐBSCL lỗ nặng. Bây giờ nhiều hộ đã tạm ngưng nuôi hoặc chuyển sang nuôi các loại cá khác, tình hình này nhiều khả năng thời điểm quý 3 và quý 4-2016 sẽ thiếu cá tra trầm trọng. Dù vậy, việc khôi phục sẽ rất khó, bởi người nuôi đã cạn vốn và đang ôm nợ.
Trong một diễn biến liên quan, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa cập nhật danh sách các công ty của 4 quốc gia là Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ theo “Chương trình giám sát đối với loài cá thuộc họ Siluriformes”.
Theo đó, Việt Nam là quốc gia có nhiều nhà máy chế biến cá tra đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, với 23 nhà máy; kế đến là Trung Quốc có 19 nhà máy; Myanmar có 13 nhà máy; Thái Lan có 7 nhà máy.
Dự kiến, tháng 4/2016, Bộ NN-PTNT Việt Nam sẽ phối hợp với USDA tổ chức hội thảo quốc tế về chương trình thanh tra cá da trơn, tại TP HCM. Trước đó, vào tháng 2/2016, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã sang Mỹ làm việc với các cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ kỹ thuật và kéo dài kỳ hạn 18 tháng để Việt Nam điều chỉnh hệ thống sản xuất cá tra phù hợp với Bộ quy định cuối cùng mà phía Mỹ đưa ra.