Kết thúc tuần đầu tháng 8/2023, giá dầu thô tại thị trường châu Á ghi nhận mức tăng cao nhất trong vòng 4 tháng. Theo đó, giá dầu đã tăng 18% tính từ giữa tháng 6 do nhu cầu cao và việc cắt giảm nguồn cung của Ả Rập Saudi.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent ở mức 86 USD/thùng sẽ tăng lên 93 USD/thùng vào tháng 12. Áp lực tăng giá nhiên liệu đã khiến các nền kinh tế lúng túng.
Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 102,8 triệu thùng/ngày và được dự báo sẽ tăng thêm khoảng 550.000 thùng/ngày trước khi kết thúc năm 2023. Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil (Mỹ) Darren Woods cho biết nhu cầu dầu mỏ cao kỷ lục trong năm nay và còn kéo dài sang năm sau, điều đó sẽ khiến giá loại năng lượng này còn tăng.
Theo tính toán, nếu giá dầu thô (trung bình) đạt 60 USD/thùng thì các công ty khai thác bắt đầu có lãi. Còn trong trường hợp từ 72 đến 80 USD/thùng thì thị trường “chấp nhận được”. Tuy nhiên khi vượt 80 USD/thùng thì các nền kinh tế phải nhập khẩu dầu sẽ lâm vào tình thế khó khăn.
Với cách tính toán đó có thể thấy khi “con ngựa” giá dầu chưa được kìm cương thì dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 là 3% (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) sẽ không đạt, mà có thể chỉ là 2,1% (dự báo của Ngân hàng Thế giới - WB).
Nhà phân tích thị trường Priyanka Sachdeva (Tổ chức Tài chính Phillip Nova - Singapore) cho rằng giá dầu thô thế giới đã đẩy giới đầu tư vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trước khi hạ bút ký hợp đồng ngắn hạn. Tiến sĩ Priyanka cho biết, kể từ tháng 4, Ả Rập Saudi và các thành viên trong OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thêm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày, nâng tổng khối lượng cắt giảm của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày, đã mở ra giai đoạn mới rất khó đoán định.
Trong một bình luận công khai hiếm hoi, ông Afshin Javan - đại diện của Iran tại OPEC cho rằng giá dầu có thể tăng trở lại mức gần 100 USD/thùng trong tháng cuối năm 2023. Trong năm 2022, giá dầu có lúc tăng vọt lên trên 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Giá dầu được coi là kỷ lục vào ngày 7/3/2021 khi giao dịch đứng ở mức 133 USD/thùng.
Việc giá dầu tăng trở lại trong thời gian dài có lợi cho các nước xuất khẩu dầu mỏ, trong đó có thành viên OPEC+. Tuy nhiên, điều đó lại tạo ra áp lực rất lớn cho các quốc gia nhập khẩu dầu thô cũng như xăng dầu đã qua chế biến.
Giá dầu mỏ luôn được coi là định hướng cho kinh tế thế giới. Trong những năm qua, “cuộc chiến giá dầu” luôn là tâm điểm chú ý không chỉ của giới đầu tư mà còn tác động trực tiếp tới sinh hoạt của người dân. Khi giá dầu nhiên liệu tăng, lập tức kéo theo giá của các mặt hàng nhu yếu phẩm liên quan tới cuộc sống hàng ngày. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới lạm phát cao và kéo dài suốt từ năm 2021 tới nay cũng đến từ giá dầu. Không chỉ lúc giá dầu neo cao mà kể cả lúc giảm xuống thì nó cũng tạo ra tâm lý bất an cho các nền kinh tế, bởi mọi toan tính đều có thể bị đảo lộn.
Trong bối cảnh đó, đại diện Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho rằng, việc các quốc gia xuất khẩu dầu lửa cho rằng họ e ngại kinh tế thế giới suy giảm nên đã cắt sản lượng khai thác dầu là “không công bằng”. Họ đã “nắm đằng chuôi” khi quyết định cả sản lượng lẫn giá bán. Điều đó khiến kinh tế thế giới nói chung tăng trưởng chậm lại.
“Kể từ đầu năm 2023, giá dầu thế giới liên tục có diễn biến thất thường. Sau khi đạt mức đỉnh 83,38 USD/thùng vào ngày 12/4, giá dầu WTI liên tục suy yếu, có thời điểm tụt dốc chỉ còn 63,57 USD/thùng. Nhưng rồi nó lại leo lên. Điều đó cho thấy giá dầu lên hay xuống phụ thuộc chính vào nguồn cung. Giá dầu biến động làm kinh tế thế giới biến động. Mối lo toan bị đẩy sang các quốc gia nhập khẩu nhiên liệu” - nhận xét của Nicolas Dupuis, Giám đốc điều hành sản phẩm năng lượng khu vực châu Á-Thái Bình dương của CME Group.
Trong khi đó, Mamdouh Salameh - chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng thế giới, nhận định giá dầu thô có thể lên đến 105-110 USD/thùng. “Cục diện thị trường dầu mỏ thế giới đang bị thay đổi, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và tăng giá. Việc vận chuyển và bảo hiểm dầu mua sẽ gặp nhiều khó khăn hơn từ nay tới cuối năm 2023. Giá dầu bủa vây có thể sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế tuột dốc trong năm nay” - ông Salameh dự báo.
Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (còn gọi là OPEC+) đã quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng, sau khi Ả Rập Saudi thông báo sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày đến hết tháng 9/2023, tức là kéo dài thêm một tháng so với trước. Trong khi đó Nga cũng tuyên bố sẽ giảm khoảng 300.000 thùng dầu xuất khẩu/ngày trong tháng 9, còn Algeria là 20.000 thùng/ngày. Được biết, mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ (không bao gồm số cắt giảm bổ sung nói trên) đã lên tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu. Nguồn cung dầu mỏ bị thắt chặt đã khiến giá mặt hàng này tăng hơn 17%, được giao dịch phổ biến ở mức gần 86 USD/thùng.