“Hiện giá điện gió chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đưa ra một giá điện gió hài hòa hơn trong thời gian tới, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các nguồn năng lượng tái tạo và phù hợp với công nghệ hiện nay trên thế giới”, một quan chức điện lực cho biết.
Dự án điện gió ở Bạc Liêu.
Sáng 7/6, Đại sứ Quán Đức, Đại sứ quán Đan Mạch và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức đã phối hợp tổ chức hội thảo về Phát triển điện gió tại Việt Nam, nhằm chia sẻ các kinh nghiệm phát triển điện gió tại các quốc gia cho Việt Nam.
Theo quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020, công suất điện gió sẽ đạt 800 MW và đến năm 2030 đạt 6.000 MW.
Tuy nhiên, hiện việc phát triển các nguồn điện gió vẫn còn rất chậm. Đến nay, mới có 7 dự án với tổng công suất 190 MW được đưa vào vận hành. Trong khi đó, các nước trên thế giới đều đã phát triển và tận dụng thành công những lợi ích từ điện gió đem lại.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), nguyên nhân là do vẫn còn nhiều rào cản trong phát triển điện gió như: Khó khăn về sử dụng đất, vốn, việc đấu nối giải tỏa công suất, hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới và hiệu quả, nguồn dự phòng…
“Đặc biệt, hiện giá điện gió chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đưa ra một giá điện gió hài hòa hơn trong thời gian tới, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các nguồn năng lượng tái tạo và phù hợp với công nghệ hiện nay trên thế giới”, ông Thành cho hay.
Tại Hội thảo, Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC) cho hay, để giải quyết một số rào cản chính và phát huy hết tiềm năng gió dồi dào của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ nhiều hơn để thúc đẩy tiến trình phát triển điện gió.
Ông Steve Sawyer, Tổng thư ký GWEC bày tỏ mong muốn của Hiệp hội là giúp Việt Nam đạt được những lợi ích mà ngành điện gió mang lại như một nguồn năng lượng sạch có giá phải chăng để phục vụ phát triển kinh tế, tăng cường an ninh năng lượng đồng thời phát triển công nghệ tiên tiến nhất và tạo việc làm. Theo vị này, các cơ chế, chính sách; công nghệ, chi phí khai thác điện gió; tích hợp điện gió vào lưới điện... là những vấn đề của Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục chuẩn hóa hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện gió, để được các tổ chức tài chính quốc tế chấp thuận; quy trình phê duyệt dự án cần được đơn giản hóa, rõ ràng, minh bạch và có thời hạn cụ thể, nhằm giảm tính bất trắc và tăng niềm tin của thị trường cũng như nhà đầu tư...