Lại một lần nữa, dư luận cho là có sự thiếu minh bạch trong cách tính giá điện, khi mà có trường hợp hóa đơn tiền điện tăng gấp 30 lần. Đáng tiếc đây không phải trường hợp “hiếm gặp”. Việc này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân và cả các chuyên gia kinh tế.
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Có tới hơn hơn 3,1 triệu khách hàng trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020. Đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
Dùng nhiều phải trả giá cao là đi ngược với kinh tế thị trường
Như vậy, tính sơ sơ đã có 3,1 triệu khách hàng nhận được sự “nhảy vọt” khi cầm hóa đơn tiền điện. Và tiền điện tăng bất thường đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là thời điểm hậu dịch Covid-19. Đây cũng chính là “nỗi lo chung” của các cử tri tại các buổi tiếp xúc sau kỳ họp của các ĐBQH.
Theo đó các cử tri và người dân cho rằng, cách tính giá điện thiếu minh bạch của ngành điện khiến tiền điện tăng đột biến gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là trong hoàn cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại đơn vị bầu cử số 1, đoàn ĐBQH TP Hà Nội, cử tri Nguyễn Mạnh Hảo (Phường Điện Biên, Quận Ba Đình) nêu vấn đề: “Tại sao EVN lại đưa ra biểu giá bậc thang với 6 giá. Người dân dùng càng nhiều thì giá càng rẻ nhưng tại sao giá điện tại nước ta lại ngược lại? Dùng nhiều thì phải ưu tiên cho người ta nhưng sao lại ngược lại? Đây là vấn đề người dân đang hết sức bức xúc”.
Còn tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn TP Hồ Chí Minh, nhiều cử tri quận Tân Bình (nơi có Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri) cũng đề nghị nên thống nhất tính chung một giá điện. Đối với trường hợp người dân gặp khó khăn nên có giá ưu đãi riêng. Bởi việc hóa đơn báo tiền điện với nhiều mức giá như hiện nay, người dân đọc không hiểu được.
Còn cử tri huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (nơi Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tiếp xúc cử tri) cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần thanh tra xử lý vấn đề này.
Thực ra, đây cũng không phải lần đầu cử tri có ý kiến về việc tăng giá điện. Bởi trong lần trước đó, ngay sau khi giá điện được điều chỉnh thì đoàn ĐBQH các tỉnh: Lâm Đồng, Long An, Quảng Nam, Đắc Lắk, Hải Dương, Hòa Bình, An Giang, Cần Thơ, TP HCM, Tiền Giang, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Bình Định, Bình Phước, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bạc Liêu đã nêu vấn đề trên đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Theo đó, cử tri, nhân dân bày tỏ bức xúc về việc EVN tăng giá điện khiến giá điện sinh hoạt tại các hộ gia đình tăng, vượt xa giá điện theo thông báo tăng giá của EVN, gây bức xúc trong dư luận.
Cử tri của 19 tỉnh, thành phố nói trên cho rằng: Với cách tính tiền điện theo giá bậc thang, dùng càng nhiều, tiền điện trả càng đắt là đi ngược với quy luật của kinh tế thị trường và phản ánh sự độc quyền trong phân phối điện của EVN. Việc tăng giá điện đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, kéo theo việc gia tăng chỉ số giá dịch vụ và tiêu dùng.
Từ đó cử tri đã đề nghị, cơ quan có thẩm quyền làm rõ vấn đề này, xem xét điều chỉnh giá bán điện bình quân cho phù hợp và có những giải pháp thiết thực trong thời gian tới. Rà soát, đánh giá thực trạng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt mức tối thiểu của hộ gia đình trên phạm vi cả nước, làm cơ sở điều chỉnh bản tính giá điện phù hợp. Quy định lại biểu giá bán lẻ điện theo hướng xây dựng biểu giá bán điện cần chia nhỏ thêm nhiều bậc, có thể giảm biểu giá điện từ 6 bậc xuống còn 3 bậc hoặc thấp hơn và tăng số định mức của bậc một cho KWh từ 0 đến 100 hoặc cao hơn.
Từ đó, cử tri đã đề nghị công khai, minh bạch cách tính giá điện, cân nhắc lựa chọn thời điểm điều chỉnh giá điện cho phù hợp, nhất là thời điểm quyết định nâng giá điện vào đầu mùa khô hạn là không hợp lý. Bộ Công thương cần giải trình cơ sở tăng giá điện, xem xét lại các chi phí đưa vào giá thành, có hay không việc đưa các chi phí như bù lỗ đầu tư ngoài ngành, chi phí tuyên truyền, khen thưởng vào giá thành dẫn đến làm tăng giá điện? - cử tri nêu rõ, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các ngành liên quan đánh giá tính hợp lý trong việc điều chỉnh giá bán điện.
Bên cạnh đó cần thông tin rộng rãi cho người dân được biết kết luận thanh tra để đảm bảo tính minh bạch. Đặc biệt, cần có giải pháp mạnh hơn để tăng cường giám sát đối với ngành điện và sớm phá thế độc quyền của ngành điện như hiện nay, tạo xu thế cạnh tranh bình đẳng, công bằng và hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Nào phải lỗi tại “ông trời”
Một nghịch lý nữa cần được nhắc đến. Đó là trước những phản ảnh của người dân về việc tiền điện tăng đột biến, ngành điện vẫn chỉ quanh co giải thích là... do thời tiết, hay nói cách khác là do “ông trời”. Trong khi đó, biểu giá bán lẻ điện bậc thang vốn được nhìn nhận là có nhiều bất cập nhưng vẫn chậm được sửa đổi.
Trước những bức xúc của người dân, EVN cho rằng: Việc tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài. Đợt nóng ở Bắc bộ và Trung bộ vừa qua là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao là nguyên nhân chính khiến cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao nên tiền điện tăng.
Thế nhưng, người dân không đồng tình với phản hồi, giải thích trên của EVN. Bởi cùng thời điểm năm ngoái cũng nắng nóng thì năm nay số tiền phải thanh toán tăng gấp đôi, chưa kể năm nay nhiều hộ gia đình được giảm tiền điện do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chưa hết, bên cạnh yếu tố thiếu minh bạch trong cách tính giá thì vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm chính là việc phải sửa đổi ngay biểu giá bán lẻ điện bậc thang.
ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê (đoàn TP HCM) cho rằng: Hiện chất lượng và cuộc sống của người dân đã có sự cải thiện. Do đó điện năng tối thiểu 100 KWh/tháng thì gần như là phổ biến đối với TP HCM.
Do vậy cần xem xét biên độ mở rộng mức ra. Mức khung đầu tiên cần phải ở mức 150-200 KWh/tháng. Bên cạnh đó, ngành điện nên trở lại kích thích cung cầu nhưng có tùy thuộc vào nguồn năng lượng quốc gia, tức là tiến tới xóa bỏ bậc thang.
“Nếu anh tiêu dùng nhiều thì anh sẽ phải trả nhiều. Ý thức tiết kiệm của công dân không phải không có. Do vậy nếu được chúng ta cũng nên xem xét đến việc xóa bỏ bậc thang. Bởi vì trong thực tế có những trường hợp không phổ biến người ta cũng lợi dụng hình thành 2-3 đồng hồ. Nếu xem tổng thể lại của một hợp tác xã, của một doanh nghiệp nhỏ thì điện năng tiêu thụ đó họ vẫn được ưu ái so với hộ gia đình có mức sống thấp nhất của thành phố trong điều kiện 100 KWh. Vì vậy vấn đề này cần tham khảo tính toán sao cho TP HCM có một biên độ phù hợp, không nên trở thành một mẫu số chung của các vùng về bậc thang điện năng”- ông Khuê phân tích.
Theo các chuyên gia vật giá, điện là mặt hàng đặc biệt, càng dùng nhiều sẽ phải trả giá rất cao. Cho nên khi tăng vài chỉ số điện nếu vượt qua bậc mới chi phí tiền điện sẽ đội lên rất nhiều. Cách tính giá điện lũy tiến 6 bậc như hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến chi phí tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng vọt.
Một phương án được các chuyên gia đặt ra là biểu giá bậc thang nên tính theo năm thay vì tính theo giá. Khi đó sẽ tránh được tình trạng những tháng nắng nóng chỉ số điện tăng cao, hóa đơn thanh toán tiền điện tăng vọt
Nói như lời GS Trần Đình Long- Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam thì hiện EVN đang áp dụng biểu giá 6 bậc, trong đó hai bậc đầu là từ 0-50 kWh và 50-100 kWh, thì sự khác biệt không có nhiều. Số lượng hộ gia đình tiêu thụ điện dưới 100 kWh cũng không lớn. Ngoài ra việc EVN áp dụng biểu giá bán lẻ điện đến 6 bậc thang là rất phức tạp. Chưa kể, mức tính tiền điện lũy tiến của EVN như hiện hành cũng không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện khi bước “nhảy giá” giữa các bậc chưa hợp lý.
Việc hóa đơn báo tiền điện với nhiều mức giá như hiện nay, người dân đọc không hiểu được. Người dân bức xúc về việc EVN tăng giá điện khiến giá điện sinh hoạt tại các hộ gia đình tăng, vượt xa giá điện theo thông báo tăng giá của EVN. Với cách tính tiền điện theo giá bậc thang, dùng càng nhiều, tiền điện trả càng đắt là đi ngược với quy luật của kinh tế thị trường và phản ánh sự độc quyền trong phân phối điện của EVN. Việc tăng giá điện đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, kéo theo việc gia tăng chỉ số giá dịch vụ và tiêu dùng.