Gia đình là chốn đi về

Nguyễn Hạnh 28/06/2023 09:00

Ngày 28/6 hàng năm được chọn làm Ngày Gia đình Việt Nam, bắt đầu từ năm 2001. Ngày Gia đình Việt Nam năm nay với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” nhằm khẳng định ý nghĩa, vai trò của mái ấm gia đình đối với sự phát triển của xã hội, đất nước.

Xưa nay, gia đình được xác định là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống và là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người. Gia đình còn là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, là “pháo đài” chống lại tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, theo thời gian, khái niệm gia đình người Việt cũng biến động, bổ sung nhiều yếu tố mới. Đáng chú ý, trong quá trình vận động ấy nhiều người thay đổi quan niệm về hệ giá trị gia đình. Quá đề cao giá trị vật chất, tiền tài, danh vị, không ít người đánh đổi danh dự của gia đình, dòng họ để đạt được mục đích của bản thân. Công nghệ có những tác động tích cực đối với sự phát triển của đời sống xã hội nhưng nó cũng tạo ra khoảng cách giữa các thành viên, các thế hệ trong một gia đình. Sống chung trong một nhà nhưng mỗi người có một thế giới riêng, khép kín, cha mẹ, con cái không thấu hiểu nhau…

Tới nay, mô hình gia đình truyền thống “tam, tứ đại đồng đường” đang dần thu hẹp, nhường chỗ cho sự hiện diện của gia đình hạt nhân (vợ chồng - con cái). Có rất nhiều hội thảo, nhiều học giả, nhà nghiên cứu xã hội học, dân tộc học nói về gia đình, nhưng hầu hết bộc lộ sự lo lắng khi nhận thấy gia đình hiện đại đã thiếu vắng sự keo sơn gắn kết các thành viên.

Trong nhiều mối lo, nổi lên tình trạng ly hôn. Con số thống kê của các cơ quan chức năng nhiều khi không thống nhất và chậm, nên cũng khó có thể “xác quyết” hiện nay tỷ lệ ly hôn trong các cặp vợ chồng người Việt Nam là bao nhiêu. Một số ý kiến cho rằng khoảng trên dưới 25%, nghĩa là cứ 10 cặp kết hôn lại có 4 cặp ly hôn.

Nhân đây, xin được dẫn thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới: Vào năm 2018, trung bình cả nước có trên 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, chiếm tỷ lệ 30% tổng số cặp đôi. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 10 cặp đôi kết hôn thì có đến 3 cặp ly hôn. Trong số các cặp đôi ly hôn, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30; 60% ly hôn sau từ 1-5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày.

Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khủng hoảng hôn nhân. Trong đó, 27,7% là mâu thuẫn về lối sống; 25,9% đến từ ngoại tình; yếu tố kinh tế chiếm 13%; bạo lực gia đình chiếm 6,7%; sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%.

Thống kê cũng cho thấy tỷ lệ ly hôn tập trung cao tại những thành phố lớn. Tại TPHCM, bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn (chiếm hơn 35%). Độ tuổi ly hôn dưới 35 chiếm 30%. Trung bình mỗi tháng, TPHCM có từ 80-100 vụ ly hôn tại mỗi quận, huyện.

Lý do ly hôn thì có nhiều, nhưng có lẽ cũng không nhiều người biết rằng nhờ sự phát triển của công nghệ, người ta có nhiều phương tiện để tiếp xúc và làm quen, đặc biệt trên không gian mạng. Báo cáo về thị trường di động (State of Mobile 2022) của Data.ai cho thấy, trong năm 2021, người trẻ Việt Nam thuộc nhóm 4 quốc gia Đông Nam Á chi nhiều nhất cho Tinder (ứng dụng hẹn hò nổi tiếng tại hơn 190 quốc gia).

Dễ dàng hẹn hò dẫn đến “vỡ mộng”, “khủng hoảng” của những cuộc hôn nhân và ly hôn chóng vánh.

Nói là vậy nhưng tất nhiên đối với đại đa số người Việt Nam gia đình vẫn luôn là chốn đi về. Đáng mừng là khái niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” tới nay cũng được bổ sung giá trị mới: không chỉ người vợ có trách nhiệm giữ gìn ngọn lửa ấm áp trong gia đình mà cả người chồng, con cái cũng cùng vun đắp mái ấm. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, xin được chúc cho mọi gia đình đều được yên ấm. Và cũng xin được nhắc lại, sự yên ấm ấy chỉ có được khi mọi thành viên trong gia đình cùng “đập đất trồng cây chung” như cổ nhân đúc kết và truyền dạy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia đình là chốn đi về

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO