Dù xa đất nước nhiều năm, việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt vẫn được nhiều gia đình ở Hy Lạp coi trọng.
Nhà hàng Việt - Hoa mang tên "Nem" của gia đình anh Quách Văn Quang ở gần trung tâm thủ đô Athens (Hy Lạp).
Ở Hy Lạp hiện nay có khoảng 500 người Việt Nam sinh sống và làm việc. Cuộc sống tuy chưa phải đã hết khó khăn do những hoàn cảnh khách quan và chủ quan nhưng cộng đồng người Việt tại Hy Lạp được đánh giá là thuần và sống đoàn kết. Đặc biệt, dù xa đất nước nhiều năm, việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt vẫn được nhiều gia đình ở đây coi trọng.
Anh Quách Văn Quang sinh ra và lớn lên ở Hy Lạp nên biết khá chi tiết về đất nước, con người, văn hóa nơi đây, nhưng anh vẫn nói tiếng Việt rất sõi và có phong cách không khác một người Việt thuần túy. Gia đình anh là một gia đình Việt – Hoa (có cha và mẹ đều là người Việt gốc Hoa). Họ đều sinh sống nhiều năm ở Việt Nam trước khi đến Hy Lạp. Và với họ, phần hồn, phần văn hóa Việt vẫn thấm đậm hơn.
Cha mẹ anh Quang hiện nay mở một quán ăn Hoa – Việt nhưng lại có cái tên rất Việt là Nhà hàng “Nem”, ở gần trung tâm thủ đô Athens, phục vụ thực khách chủ yếu là người dân sở tại yêu thích món ăn Việt Nam và Hoa.
Món ăn do gia đình anh chế biến có thể không hẳn là Hoa, cũng không hẳn là Việt và đã có những thay đổi gia giảm nhất định cho hợp khẩu vị người dân sở tại, nhưng có lẽ, phần hình thức vẫn khá rõ với những đặc trưng Hoa hoặc Việt Nam: Nem Việt, Phở Việt xào, sốt chua ngọt kiểu Hoa… Đó đều là những món ăn thực khách Hy Lạp yêu thích và thường đặt ăn mỗi khi tới đây.
Món ăn Việt luôn là thực đơn yêu thích của khách hàng tới đây.
Có dịp tới nhà hàng của gia đình anh Quang, cha mẹ anh luôn tất bật trong bếp để trực tiếp chế biến các món ăn phục vụ khách hàng, nhưng bà Lương Tố Quyên, người phụ nữ mang nhiều nét Hoa và cũng rất sởi lởi, thân thiện như một phụ nữ Việt Nam đã tiếp đón phóng viên khá cởi mở.
Bà Quyên chia sẻ, gia đình bà mở cửa hàng này từ 7 năm nay, trước đó họ đi làm công nhân cho một nhà máy lớn ở tỉnh xa thủ đô của Hy Lạp, nơi có nhiều người Việt và Trung quốc khác làm việc khi sang tị nạn. Cuộc khủng hoảng kinh tế của Hy Lạp cũng khiến gia đình bà gặp không ít khó khăn. Nhưng với sự chịu khó của người Á Đông, sự tần tảo và luôn biết vượt khó khăn để tồn tại, cộng thêm với tình yêu quê hương, bản quán, gia đình bà đã chọn cho mình cách tồn tại nơi đất khách bằng một nhà hàng Hoa – Việt kiểu này.
Bà Quyên chia sẻ, các thành viên trong gia đình bà đều nói tiếng Việt rất tốt vì được bà nội chăm sóc từ lúc sinh ra đến lúc các học đại học, ra trường. “Gọi là tiếng mẹ đẻ của mình đấy. Mình mà đánh mất thì coi như là mất hết, bà nội vẫn luôn bảo thế” – bà Quyên nói.
Theo chủ quán ăn Hoa – Việt, dù chưa hẳn đã sung túc, nhưng họ vẫn tạo điều kiện để các con có dịp về thăm quê hương. Lúc đầu tuy các con có phần bỡ ngỡ, khó hội nhập, nhưng rất nhanh sau đó tất cả đều cảm thấy thích và gắn bó, muốn được về thăm thường xuyên hơn.
Bà Lương Tố Quyên.
Trao đổi với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hy Lạp, bà Trần Hà Phương cũng đánh giá nét khá đặc trưng này của người Việt Nam hiện sinh sống, làm ăn tại Hy Lạp.
“Dù cộng đồng người Việt ở đây rất nhiều thành phần khác nhau, trong đó có một bộ phận người Hoa gốc Việt, tuy nhiên toàn thể gia đình họ, đều nói tiếng Việt, kể cả con cái của họ sinh ra ở đây đều nói tiếng Việt rất tốt. Họ luôn giữ gìn nét đẹp truyền thống dân tộc, giữ được văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt. Những người Việt ở đây rất yêu nước, thân thiện, có thể nói đó là một bộ phận gắn kết với Đại sứ quán cũng như là một bộ phận góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam với Hy Lạp” – bà Trần Hà Phương chia sẻ.
Với vốn kiến thức tiếng Việt khá tốt của mình, anh Quách Văn Quang hiện góp phần hỗ trợ rất nhiều cho Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp và trở thành phiên dịch chính trong nhiều hoạt động của Đại sứ quán.
Khi xa quê hương, gặp những con người biết trân trọng, giữ gìn nét văn hóa của dân tộc Việt, quả thực ai cũng cảm thấy ấm lòng hơn.