Sau nhiều tháng giảm kỷ lục, đẩy người chăn nuôi vào tình cảnh thua lỗ, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giống gia cầm cũng buộc phải đập bỏ lò ấp, thì thời điểm này giá gia cầm thương phẩm cũng như gia cầm giống bắt đầu tăng trở lại.
Giá các loại gia cầm đang tăng. Ảnh: Quang Vinh.
Không thể tăng nóng như thịt lợn
Không còn quang cảnh vắng vẻ, ảm đạm, chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội) tấp nập kẻ bán người mua từ sau “lệnh” nới lỏng cách ly. Theo ông Lê Văn Chung (Ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ), trước đó, bình quân mỗi xe tải mỗi ngày chỉ bắt và tiêu thụ được 5 - 7 tấn gia cầm, nay tăng gấp đôi sản lượng, đạt 10 - 14 tấn/ngày.
Không chỉ sôi động trở lại về sản lượng, một vài ngày gần đây giá gia cầm đang phục hồi khá tốt. Cụ thể, giá vịt tăng từ 30.000 - 31.000 đồng/kg lên 35.000 - 36.000 đồng/kg rồi lên tiếp lên 38.000 - 40.000 đồng/kg; Gà lông màu lai tăng từ 44.000 - 46.000 đồng lên 48.000 - 50.000 đồng/kg rồi lên tiếp lên 58.000 - 60.000 đồng/kg; Gà lông màu thuần ổn định ở mức xung quanh 85.000 - 90.000 đồng/kg; Gà Tam Hoàng dưới 40.000 đồng/kg nay tăng lên 43.000 - 44.000 đồng/kg và gà lông trắng tăng từ dưới 30.000 đồng/kg lên 32.000 - 35.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bắc Giang, theo thông tin từ một số chủ trang trại chăn nuôi gà, vịt thương phẩm, cơ sở ấp nở trứng trong tỉnh, hiện giá các loại hàng này đang tăng trở lại trong mấy ngày qua. Cụ thể, gà mía lai, ri lai 4,5 tháng tuổi tại Hiệp Hòa giá 65 nghìn đồng/kg, tăng 5 nghìn đồng/kg; tại Yên Thế, gà 4 tháng tuổi giá 51-65 nghìn đồng/kg (tùy từng tuổi gà); giá vịt đạt 30 nghìn đồng/kg, cả gà và vịt đều tăng từ 2-5 nghìn đồng/kg. Theo đó, giá gà giống đạt 7 nghìn đồng/con, tăng 5 nghìn đồng/con; vịt giống trung bình đạt 12 nghìn đồng/con, tăng gần 10 nghìn đồng/con.
Đánh giá thực tế này, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, việc giá gia cầm bị chững lại trong thời gian vừa qua chủ yếu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến các nhà hàng, lễ hội, trường học, đám cưới phải tạm dừng hoạt động, trong khi đây là khu vực tiêu thụ thịt gia cầm chủ yếu. Với việc giá gia cầm tăng trong thời gian gần đây là mức giá hợp lý, hài hòa cả người chăn nuôi, người tiêu dùng và người làm giống.
Khâu trung gian “ăn đủ”
Nhưng cũng có một thực tế, ngay cả khi giá gia cầm giảm sâu, người chăn nuôi thua lỗ thì ở siêu thị cũng như chợ truyền thống người tiêu dùng vẫn phải mua gia cầm với giá chênh lệch cao. Chị Nguyễn Thuý Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay: Nghe nói giá gia cầm, thuỷ cầm giảm sâu nhưng tôi vẫn phải mua ngan với giá 80.000 đồng/kg; gà ri giá 110.000 đồng/kg; đùi gà công nghiệp 90.000 đồng/kg… Trứng gà, vịt vẫn 30.000 đồng/chục chứ không có chuyện rẻ hơn.
Ở phía Nam, giá gia cầm từ trang trại đến tay người tiêu dùng cũng xảy ra tình trạng chênh lệnh giá tương tự. Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nêu thực tế: Giá gà trắng xuất chuồng chỉ 20.000-23.000 đồng/kg, nhưng giá bán tại chợ lên tới 60.000-65.000/kg, cá biệt thịt cắt riêng đùi, cánh giá lên tới 85.000-90.000 đồng/kg. Như vậy, giải quyết khâu trung gian đang là một vấn đề đặt ra không chỉ với thịt lợn trong thời gian qua mà với cả thịt gia cầm.
Thực tế, giá gia cầm đang dần phục hồi, xong với mức giá này người nuôi vẫn chưa thể bù đắp phần thua lỗ trong thời gian dài trước đó. Nếu mức giá hiên nay tiếp tục giữ vững trong thời gian tới, người nuôi mới có thể bù lỗ. Hiện các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa dám tái đàn vì sợ lỗ nặng, còn trang trại thì chỉ nuôi cầm chừng.
Cũng cần nhắc lại, mặc dù giá gia cầm tại trang trại đang khá rẻ, nhưng tới tay người tiêu dùng vẫn bị đội giá gấp nhiều lần. Như với giá thịt lợn tăng cao thời gian qua là do khâu trung gian chiếm tới 40% giá thành. Do đó, với gia cầm, cơ quan quản lý cần có biện pháp giải quyết khâu trung gian. Không thể để khâu trung gian hưởng lợi quá lớn, bỏ mặc người chăn nuôi chịu mọi rủi ro và người tiêu dùng phải mua giá “chát” một cách phi lý.
Giá thịt lợn chưa hết “nóng”
Giá thịt lợn ngày 3/5 tiếp tục tăng tại miền Bắc, có nơi giá lợn hơi lên tới 93.000 đồng/kg. Nhiều ý kiến cho rằng thịt lợn đang bị “làm giá”. Cụ thể, tại chợ đầu mối Hà Nam, giá lợn trên ngưỡng 90 nghìn đồng/kg, tăng 2 nghìn đồng/kg. Tại các địa phương khác như: Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên giá tiếp tục giữ mức cao 90 đến 91 nghìn đồng/kg… Một số chủ lò mổ tại Hà Nội cho rằng tới thời điểm này vẫn chưa thấy biện pháp nào kéo giá xuống hiệu quả.