Theo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Thủy lợi tỉnh Đồng Nai, thời gian gần đây, tình trạng người dân chặt bỏ hồ tiêu diễn ra rất mạnh. 5 tháng đầu năm nay, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh giảm 3.000 ha so với cuối năm 2019.
Một vườn hồ tiêu xơ xác vì bị chặt bỏ.
Cụ thể, cuối năm 2019, Đồng Nai có gần 16.600 ha hồ tiêu, đến tháng 5/2020 chỉ còn hơn 13.600 ha. Tình trạng người dân chặt bỏ hồ tiêu diễn ra ở nhiều địa phương, tập trung nhiều nhất ở huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do giá hồ tiêu duy trì ở mức thấp (trên dưới 45.000 đồng/kg) trong nhiều năm, người dân liên tiếp thua lỗ, không còn khả năng cầm cự. Sau khi chặt hồ tiêu, nông dân chuyển sang trồng các loại cây ăn trái đang có giá cao. Đến nay, diện tích bưởi, sầu riêng, chuối của Đồng Nai là khoảng 24.000 ha, tăng gần 3.500 ha so với cuối năm 2019.
Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Thủy lợi tỉnh Đồng Nai, việc giảm giá của hồ tiêu đã kéo dài 5 năm qua. Trước đây, người trồng tiêu vẫn bám trụ với vườn cây, hi vọng sau vài năm giá tiêu sẽ tăng trở lại, nhưng giá tiêu cứ giảm, năm sau thấp hơn năm trước. Để có thu nhập, ổn định cuộc sống, nông dân buộc phải chặt bỏ hồ tiêu, chuyển đổi sang cây trồng mới.
Trên thực tế, hồ tiêu Đồng Nai cũng như của Việt Nam được thế giới đánh giá cao, đã xây dựng được thương hiệu, xuất khẩu ra nhiều nước, đây là loại cây có nhiều lợi thế, tiềm năng. Chính vì thế, ngành nông nghiệp Đồng Nai khuyến cáo người trồng tiêu không nên chặt bỏ diện tích đang cho năng suất cao; chỉ chuyển đổi một phần diện tích hồ tiêu sang trồng loại cây khác.
Để giảm thiệt hại, thời điểm này người dân nên đầu tư cho hồ tiêu ở mức vừa phải, tiết giảm các chi phí sản xuất. Khuyến khích nông dân trồng tiêu theo các tiêu chuẩn sạch, an toàn, liên kết với doanh nghiệp, qua đó hạn chế các khâu trung gian trong tiêu thụ, tăng lợi nhuận.