Già hóa dân số và vấn đề việc làm

THẾ TUẤN 14/05/2023 08:11

Số liệu từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, tính đến ngày 10/5 vừa qua, số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống, bao gồm cả người nước ngoài ở nước này, là 14,35 triệu - giảm khoảng 300.000 so với một năm trước đó. Như vậy, số trẻ em của nước này đã giảm năm thứ 42 liên tiếp xuống mức thấp kỷ lục mới. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải đã là tất cả những lo lắng về dân số.

Hiện tỷ lệ trẻ em trên tổng dân số của Nhật Bản là 11,5% - con số thấp nhất kể từ năm 1950, thời điểm bắt đầu tiến hành thống kê dữ liệu để so sánh. Có 3,21 triệu trẻ em từ 12-14 tuổi, so với 2,43 triệu trẻ em từ 2 tuổi trở lên, cho thấy xu hướng tiếp tục có ít trẻ em hơn trong nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi. Theo giới tính, các bé trai chiếm 7,35 triệu trong tổng số trẻ em, trong khi các bé gái chiếm 7 triệu.

Nhiều người cao tuổi ở Nhật Bản vẫn tham gia làm việc. Nguồn: NATGEO

Đi tìm lời giải

Trong khi đó, theo Liên hợp quốc, Nhật Bản có tỷ lệ trẻ em thấp nhất trong số 36 quốc gia có dân số trên 40 triệu người; sau Hàn Quốc với 11,6% và Italy với 12,4%.

Dân số không chỉ là nỗi lo của Nhật Bản, mà đã được coi là vấn đề toàn cầu. Cùng với việc số trẻ em được sinh ra ít thì số người cao tuổi (trên 65 tuổi) lại tăng nhanh. Dự báo của Liên hợp quốc, số người trên 65 tuổi trên thế giới sẽ tăng gấp 3 lần vào giữa thế kỷ này: Từ 531 triệu vào năm 2010 lên 1,5 tỷ vào năm 2050. Khi dân số già đi, nguồn nhân lực ở đâu để nuôi nền kinh tế là bài toán nhiều quốc gia phải đi tìm lời giải.

Tại nhiều nước, nhất là châu Âu đang có tình trạng "chủ cần thợ, việc cần người", tức là rất khó kiếm ra người làm một số công việc đặc thù. Italy có khoảng 1 triệu công việc đang cần người, những lao động chuyên ngành dược, sinh học và bác sĩ càng ngày càng khan hiếm.

Ngay cả trong giấc mơ, chị Sonia Alagheband - người nhập cư vào Đức đến từ Iran cho biết, chưa bao giờ nghĩ có một ngày chị sẽ trở thành một người lái tàu hỏa, mà lại còn là ở Đức. Trong khi đó, Công ty đường sắt Deutsche Bahn thì lại mừng rỡ khi tuyển dụng được chị. Không chỉ trong ngành đường sắt, mà trên khắp cả nước Đức đang thiếu hụt khoảng 2 triệu lao động ở rất nhiều ngành nghề. Từ y tá, điều dưỡng, nhà trẻ, ngành công nghệ, cơ khí và cả dịch vụ công. Cũng như nhiều quốc gia EU khác, Chính phủ Đức đang hướng tới tận dụng nguồn lao động nhập cư để giải quyết vấn đề khan hiếm lao động trong nước.

Còn từ 1/7 tới, Australia sẽ tăng lương tối thiểu cho lao động nhập cư để thu hút thêm lao động có trình độ. Mức lương tối thiểu mới cho lao động nhập cư có tay nghề cao tại Australia sẽ là 46.300 USD/năm, trong khi trước kia là 35.600 USD.

Trong số các quốc gia đang “già hóa” thì Nhật Bản đứng đầu. Đến hết năm 2022, những người từ 65 tuổi trở lên chiếm gần 1/3 dân số. Tốc độ già hóa nhanh chóng khiến Nhật Bản mất khoảng 12 triệu lao động trong 1/4 thế kỷ qua và nước này đang tìm mọi cách để bù đắp lực lượng lao động thiếu hụt. Chính vì thế, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định nới lỏng điều kiện điều cư trú cho lao động chất lượng cao nước ngoài với một số điều kiện nhất định. Cùng với đó, điều chỉnh chế độ với sinh viên, cho phép các sinh viên tốt nghiệp từ một trong những trường đại học thuộc top 100 trường đại học hàng đầu được phép cư trú tại Nhật Bản trong 2 năm để tìm việc làm.

Đối diện một cách tích cực

Ông Xavier Devictor - Giám đốc Báo cáo phát triển toàn cầu 2023, World Bank, cho rằng già hóa dân số đang là một quả bom hẹn giờ đối với hệ thống lương hưu công cộng và tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia. Và từ đó cần đối diện với nó theo chiều hướng tích cực.

Ước tính đến năm 2035, ASEAN dự kiến sẽ có hơn 127 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm khoảng 20% tổng dân số. Ông Anusan Thenthong - Hội Người cao tuổi ở Bangkok, Thái Lan cho rằng: "Khi những người cao tuổi có thu nhập, họ sẽ tiêu số tiền đó và sinh ra dòng tiền thúc đẩy nền kinh tế. Nếu nhiều người cao tuổi không có tiền tiêu, nền kinh tế sẽ khó phát triển".

Quá trình già hóa dân số nhanh chóng được ví như "làn sóng bạc", bởi nó gây ra các thách thức đối với thị trường lao động và hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong lại cho rằng, có thể biến thách thức thành cơ hội. Một trong những cơ hội như vậy là từ một nền kinh tế mới, bằng cách khai thác thói quen tiêu dùng mới của người lớn tuổi.

Ví dụ, một số công ty như Prudential Singapore đã loại bỏ hoàn toàn tuổi nghỉ hưu, cho phép nhân viên lớn tuổi tiếp tục làm việc. Điều đó đồng nghĩa là sẽ có nhiều người tiêu dùng hơn, với nhu cầu thay đổi và khả năng chi tiêu cũng khác đi.

Một dự báo cho thấy "nền kinh tế bạc" - ý nói nền kinh tế liên quan những người cao tuổi - ở Singapore là thị trường trị giá 72,4 tỉ USD vào năm 2025. TS James Kah - Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, những người cao tuổi tại Singapore sẽ chi tiêu khoảng 150 tỷ USD vào năm 2030 - một thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp không nên và không thể bỏ qua.

“Lão hóa - suy cho cùng, đó là điều tự nhiên trong cuộc sống. Do vậy có lẽ chúng ta cũng nên đối diện với quá trình này một cách tích cực. Đầu tư vào một "nền kinh tế bạc" có thể biến thách thức thành cơ hội vàng” - TS James Kah nói.

Tại Anh, số người trên 70 tuổi vẫn đang làm việc hiện đã tăng 61% so với một thập kỷ trước, theo Rest Less, một cộng đồng trực tuyến đưa ra lời khuyên cho những người lao động lớn tuổi. Dữ liệu được công bố mới đây cho thấy hơn 446.600 người trên 70 tuổi ở nước này vẫn chưa nghỉ hưu, so với con số 277.926 vào năm 2012. Stuart Lewis - Giám đốc điều hành của Rest Less cho biết: "Ngày nay, chúng ta chứng kiến nhiều người lao động lớn tuổi đang phải vật lộn để kiếm tiền trang trải cuộc sống trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khi khoản tiết kiệm hưu trí không đủ, có nghĩa là họ phải làm việc để tồn tại về mặt tài chính". Tuổi nghỉ hưu hiện tại của nam và nữ ở Anh là 66 nhưng sẽ tăng dần lên 68 vào năm 2046.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Già hóa dân số và vấn đề việc làm