Dự án “Trà dược liệu cà gai leo Pơ Nang” của cô gái Bahnar Hồ Thị Viên (29 tuổi, ở làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã được đánh giá cao và xếp thứ hai trong cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng chuỗi giá trị”.
Chị Hồ Thị Viên bên vườn ươm cây giống cà gai leo.
Phấn khởi vì đã có thể hỗ trợ cộng đồng người dân tộc Bahnar tại địa phương thay đổi cách nghĩ, nếp làm, có thu nhập ổn định, cô gái Bahnar Hồ Thị Viên chia sẻ: Dự án là sự đóng góp, chung tay của cả cộng đồng người dân tộc Bahnar tại làng Pơ Nang cũng như sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền các cấp thuộc thị xã An Khê, đặc biệt là Hợp tác xã nông nghiệp Tú An 1. Tôi mong mô hình được nhân rộng và Hợp tác xã nông nghiệp Tú An 1 có thêm kinh phí thực hiện trọn gói quá trình sản xuất, nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân tộc thiểu số, để bà con được nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp, làm chủ kinh tế gia đình.
Dự án “Trà dược liệu cà gai leo Pơ Nang” do Hồ Thị Viên nêu ý tưởng và được sự hỗ trợ vốn từ Hợp tác xã nông nghiệp Tú An 1 từ cuối năm 2018. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, cà gai leo là loài cây mọc tự nhiên, rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất An Khê. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang hướng đến việc xây dựng ở Gia Lai các vùng trồng cây dược liệu có năng suất cao, chất lượng tốt để cung cấp nguồn dược liệu sản xuất thuốc tại chỗ.
Để tạo điều kiện cho người dân địa phương có vốn đầu tư ban đầu, Hợp tác xã nông nghiệp Tú An 1 cho 10 hộ dân mượn 2 ha đất và cho vay 250 triệu đồng, cứ mỗi vụ thu hoạch, Hợp tác xã sẽ trừ 10% trên tổng thu hoạch cho đến khi hết nợ.
Bắt đầu thực hiện Dự án vào đầu tháng 2/2019, Hồ Thị Viên cùng 10 hộ gia đình người Bahnar đã xuống giống hàng chục nghìn cây giống cà gai leo để phục vụ dự án nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trong vùng. Cà gai leo được trồng, chăm sóc hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Liên kết sản xuất được áp dụng triệt để, Hợp tác xã nông nghiệp Tú An 1 làm các khâu trung gian nhằm đảm bảo ổn định từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm.
Tháng 5/2019, trên diện tích 2 ha cà gai leo đã cho thu bói với sản lượng 1,8 tấn trà khô; tháng 9/2019, tiếp tục thu vụ thứ 2 với gần 3 tấn trà khô có giá bán 90 triệu đồng/tấn. Theo quy trình sản xuất, cà gai leo cho thu hoạch từ 3-4 vụ/năm, chỉ cắt cành, để lại gốc.
Ông Lê Văn Bộ - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tú An 1 chia sẻ: Ban đầu, Hồ Thị Viên phải đi vận động các hộ dân tham gia Dự án. Sau khi thấy được hiệu quả ban đầu, đã có thêm 5 hộ người Bahnar tại xã Tú An chủ động góp 7 ha đất đăng ký tham gia mô hình. Thời gian đầu khó khăn, vì chưa có vốn đầu tư nhà xưởng nên tất cả sản phẩm tươi sau khi thu hái, người dân phải làm thủ công, tự băm, phơi rồi thuê gia công, đóng gói. Nay Dự án đã có kết quả khả thi. Tháng 1/2020, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho 100 hộ dân ở xã Tú An về kỹ thuật trồng trọt, sản xuất cà gai leo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Bí thư Thị ủy An Khê, nhận định: Đến thời điểm này, Dự án “Trà dược liệu cà gai leo Pơ Nang” đã thành công và đi vào hoạt động cho năng suất ổn định, kỳ vọng sẽ trở thành mô hình kinh tế giúp bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn thoát nghèo bền vững.