Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lợn bắt đầu tái đàn để kịp thời cung ứng nguồn thịt vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, những ngày gần đây giá lợn hơi liên tiếp giảm đã khiến không ít hộ chăn nuôi có tâm lý e ngại tái đàn.
Vừa nuôi vừa thăm dò thị trường
Bà Nguyễn Thị Loan - chủ hộ trang trại chăn nuôi lợn ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho biết, từ đầu năm đến nay, bà cũng như nhiều hộ chăn nuôi luôn ở tình trạng thấp thỏm, lo lắng. Đầu năm thì đối mặt với tình trạng giá thức ăn cao chót vót nhưng giá lợn hơi lại lao dốc, chỉ ở mức 45.000 - 50.000 đồng/kg khiến nhiều hộ nuôi phải chịu thua lỗ, thậm chí, nhiều hộ còn bỏ chuồng trại. Từ đầu tháng 8/2023, giá lợn hơi tăng dần lên trên 60.000 đồng/kg, thế nhưng từ cuối tháng 9 đến nay, giá lợn hơi xuất chuồng bất ngờ giảm mạnh khiến nhiều hộ chăn nuôi không còn mặn mà tái đàn.
“Những năm trước, dù giá lợn không cao nhưng lại ổn định nên việc tái đàn cũng ít rủi ro hơn. Số lợn trong chuồng trước đây thường duy trì từ 120 -140 con. Từ đầu năm nay do chi phí tăng cao, giá cả bấp bênh nên hiện nay, gia đình chỉ dám đầu tư 80 con cả lợn nái và lợn thịt. Thời điểm này, dù cận kề Tết nhưng cũng không dám mạo hiểm đầu tư nhiều” - bà Loan nói.
Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Cường - chủ trang trại Minh Cường (Thạch Thất, Hà Nội) cũng cho biết, dù đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn để tái đàn nhưng những ngày gần đây giá lợn hơi liên tục giảm, cá biệt có ngày giảm 2.000 – 3.000/kg khiến ông không dám tái đàn. “Sau gần 1 năm đến tháng 8, giá lợn hơi mới nhích lên được 60.000 đồng/kg. Cùng với đó, giá nguyên liệu thức ăn cũng giảm chút. Với giá này chỉ trong 1 tháng rất khó để người chăn nuôi lấy lại vốn sau một thời gian dài thua lỗ. Vì vậy, dù thời điểm Tết cận kề nhưng ít hộ chăn nuôi mạo hiểm tái đàn, đa phần nuôi số lượng nhỏ, vừa nuôi vừa thăm dò thị trường” - ông Cường nói.
Thực tế theo khảo sát, giá lợn hơi ngày 10/10 tiếp tục giảm 1.000 đồng/kg trên diện rộng và dao động trong khoảng 50.000 đồng/kg đến 53.000 đồng/kg. Cụ thể tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi giảm 1.000 đồng/kg trên diện rộng và dao động trong khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg. Theo đó, sau khi giảm một giá, thương lái tại Bắc Giang đang thu mua heo hơi về mức 52.000 đồng/kg.
Cùng giảm 1.000 đồng/kg, hiện giá lợn hơi tại Ninh Bình đang đứng ở mức 51.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Yên Bái, Lào Cai.
Tương tự tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng trên đà giảm còn 50.000 – 53.000 đồng/kg
Về giá thức ăn, theo các đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi, từ cuối tháng 6/2023 đến nay, nhiều loại thức ăn chăn nuôi giảm giá, bình quân từ 300 - 400 đồng/kg/đợt, tổng mức giảm tính đến hiện tại khoảng 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán các loại thức ăn chăn nuôi hiện nay vẫn còn rất cao so với trước đây.
Nguồn cung đảm bảo
Giá lợn hơi giảm liên tiếp trong khi đó chi phí chăn nuôi vẫn khá cao do thức ăn vẫn neo cao ảnh hưởng lớn đến tâm lý các hộ chăn nuôi. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), giá lợn hơi có thêm nhịp giảm trong tháng 9 vừa qua, chủ yếu do dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở một số địa phương khiến người dân bán lượng lợn lớn ra thị trường. Trong khi đó, sức mua vẫn chưa có nhiều cải thiện do người dân tiết kiệm chi tiêu.
Lý giải nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá lợn ở mức thấp, một phần do có lượng nhỏ đã quá lứa, phần khác một số vùng có dịch, người dân bán non để “chạy dịch”.
Cũng theo ông Công, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi cũng như tác động của giá có thể khiến thiếu hụt một lượng nhỏ nguồn cung thịt lợn cho cuối năm, nhưng sẽ không tác động nhiều đến giá.
Báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho hay, tổng đàn lợn cả nước hiện vào khoảng 28,6 - 28,7 triệu con. Do đó, dù tỷ lệ tái đàn dịp cuối năm không cao, nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu thịt dịp cuối năm vẫn được đảm bảo, do các doanh nghiệp luôn duy trì mức tổng đàn hợp lý nhờ quy mô chăn nuôi lớn, có khả năng tự chủ nguồn giống, thức ăn và kiểm soát dịch bệnh tốt, giúp giảm giá thành chăn nuôi dễ dàng hơn.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cơ cấu chăn nuôi đã thay đổi, các trang trại chăn nuôi của nông dân chỉ chiếm 20-30% tổng đàn lợn của cả nước; các công ty chiếm tới 70-80% tổng đàn. Vì vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về thị trường thịt lợn thương phẩm dịp cuối năm.
Giới chuyên gia nhận định, mặc dù tại thời điểm này, nguồn cung thịt lợn được đánh giá cơ bản là ổn định, nhưng cũng không thể chủ quan bởi từ nay đến cuối năm 2023, thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh tương đối cao, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Mặt khác, tỷ lệ chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng vẫn nhỏ lẻ; nhiều hộ chăn nuôi chưa quan tâm tới tiêm phòng vaccine, nhập con giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Để bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong mọi tình huống, Bộ NNPTNT cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường theo sát diễn biến cung - cầu mặt hàng thịt heo nhằm tránh xảy ra đột biến cục bộ về giá, theo dõi chất lượng và giá thức ăn chăn nuôi để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.