Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), tính đến thời điểm này, so với nhóm quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có giá cao nhất. Nhận định của chuyên gia cũng cho thấy, năm 2024 thị trường lúa gạo tiếp tục sôi động.
Giá gạo neo cao
Sau những phiên liên tục điều chỉnh tăng, giá lúa, gạo trong các ngày cuối tuần ở ĐBSCL đã duy trì ổn định, giá lúa dao động quanh mốc 8.600 – 8.900 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại các kho xuất khẩu ở Đồng Tháp, An Giang cũng dao động nhẹ, như OM 5451 từ 13.500 - 13.600 đồng/kg; OM 380 ở mức 13.000 - 13.050 đồng/kg; IR 504 duy trì ổn định quanh mức 13.100 - 13.150 đồng/kg…
Còn tại các chợ lẻ, giá gạo vẫn đang neo ở mức cao, như gạo Nàng Hoa 9 có giá 19.500 đồng/kg; gạo Nàng Nhen dao động 26.000 đồng/kg; Jasmine từ 17.000 - 18.500 đồng/kg; gao thơm Thái hạt dài 19-20.000đồng/kg; gạo tẻ thường ở mức 12.000 - 14.000 đồng/kg.
Trước đó, giá lúa ghi nhận tại một số vùng ở Đồng Tháp tăng mạnh, có thời điểm tăng lên mức 9.400 đồng/kg.
Theo một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo ở Cần Thơ, giá lúa tăng, nông dân mừng nhưng DN lo, bởi giá lúa tăng theo ngày khiến DN rất khó thu mua. Mặt khác, giá lúa vẫn tăng, trong khi các hợp đồng đã ký không thể tăng giá, khiến doanh nghiệp bị lỗ. Một số DN hiện giờ không dám trữ hàng, thương lái cũng thu mua cầm chừng hơn.
Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty lương thực Phương Đông cho rằng, xét về ngắn hạn, thị trường bị ảnh hưởng khi giá gạo tăng cao. Đã có khách hàng chuyển sang mua gạo Thái Lan (giá gạo Việt Nam cao hơn giá gạo Thái Lan khoảng 100 USD/tấn).
“Hiện tại, trong ngắn hạn, một số khách hàng của DN đang chuyển sang mua gạo Thái. Tuy nhiên, họ cũng cho biết, khi giá gạo Việt Nam xuống ở một mức hợp lý hơn sẽ quay lại. Chúng tôi cũng mong mặt bằng giá sẽ ổn định ở mức DN cạnh tranh được. Hy vọng năm tới mặt bằng giá sẽ có sự điều chỉnh, độ chênh lệch không quá cao thì chúng ta quay lại thị trường” - ông Việt Anh nói đồng thời cho biết, giá gạo Việt Nam hiện ở mức cao do nhu cầu lớn hơn nguồn cung. Giá gạo tăng cao, nông dân mừng nhưng DN cũng lo, bởi phần nào đang tiềm ẩn một số rủi ro. Thời điểm này, các DN và các nhà máy không dám trữ hàng bởi vì chưa lường hết được mức giá trên thế giới, nếu thời gian tới giá rớt mà giờ mua dự trữ với giá cao thì sẽ thua lỗ. Vì vậy cần mức giá hợp lý để kinh doanh.
“Chúng ta mua sản phẩm gì thì cũng cần giá hợp lý. Lương thực cũng là mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, phải nhìn ở 2 mặt để không ảnh hưởng đến lạm phát. Nhờ giá hợp lý mà 5, 6 năm nay chúng ta chiếm được 3 thị trường lớn, chứ giá cao mà khó bán thì cũng bằng không” - ông Việt Anh chia sẻ.
Thị trường lúa gạo tiếp tục khả quan
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo của Việt Nam tiếp tục xu hướng đi ngang. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến đầu tháng 11/2023, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất.
Cụ thể, gạo tấm 5% của Việt Nam có giá 653 USD trong khi Thái Lan là 560 USD và Pakistan 563 USD mỗi tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 638 USD, Thái Lan giá 520 USD và Pakistan giá 488 USD mỗi tấn...Ước 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỉ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo của các chuyên gia, năm 2024, nhu cầu gạo của thế giới vẫn lớn trong khi nguồn cung hạn chế, đây tiếp tục là cơ hội để gạo Việt Nam chiếm lĩnh và khẳng định uy tín trên thị trường. Giá gạo sẽ vẫn ở mức cao và khó giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn. Nguyên nhân là do lượng lúa gạo trên thế giới đang khan hiếm dần, còn Việt Nam đang nắm giữ cơ hội về xuất khẩu gạo.
Do vậy, các DN lương thực cần chủ động liên kết xây dựng vùng nguyên liệu lúa, đặc biệt là tham gia vào Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.
Bà Trần Thanh Bình - Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương) cũng chung nhận định này khi cho rằng, ít nhất đến tháng 2/2024 Ấn Độ chưa có khả năng dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Vì vậy, DN cần cân nhắc, chọn thời điểm “vàng” để ký hợp đồng xuất khẩu. Đặc biệt, các DN cũng cần lưu ý xu hướng sản xuất xanh, nền nông nghiệp xanh mà thế giới đang áp dụng để có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Theo ông Phạm Quang Diệu - Kinh tế trưởng Công ty AgroMonotor (chuyên gia nghiên cứu thị trường lúa gạo), xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có khả năng đạt 8 triệu tấn, sang năm 2024 tồn kho sẽ rất mỏng. Do đó, các DN phải hết sức thận trọng, nếu ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp, lúc đó giá tăng lên lại gặp khó khăn.
Giá lúa tăng mạnh, thị trường tiêu thụ tốt nên hiện tại một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL như Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, nhiều nông dân đã mở rộng diện tích lúa, chuyển đổi diện tích một số cây trồng khác sang trồng lúa.
Vụ Đông Xuân 2023-2024, cả nước dự kiến gieo trồng gần 3 triệu ha, sản lượng đạt hơn trên 20 triệu tấn. Riêng vùng ĐBSCL sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha với sản lượng dự kiến hơn 10 triệu tấn lúa tập trung vào những giống lúa thơm, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong bối cảnh thị trường lương thực thế giới diễn biến phức tạp, nhiều nước tạm dừng hoặc cắt giảm nguồn cung xuất khẩu, Việt Nam có thể sản xuất 43 triệu tấn lúa cả năm 2023 (tăng 432.000 tấn so năm 2022), tương đương 28 triệu tấn gạo, giữ vững nguồn xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực trong nước.