Ngày 16/9, tại TP HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị “Những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực” dành cho báo chí và 22 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Thị trường lao động Việt Nam sẽ chịu tác động nhiều nhất
khi cộng đồng AEC có hiệu lực. Ảnh:Hồng Phúc.
Với quy mô kinh tế, năng suất lao động, thu nhập GDP bình quân đầu người,… còn ở mức khiêm tốn so với nhiều nước, các chuyên gia nhận định Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều thách thức khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ có hiệu lực chính thức cuối năm 2015.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công thương cho biết: Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp và người dân trong nước chưa thật sự hiểu rõ những cơ hội, cũng như thách thức tham gia vào AEC là như thế nào. Tất cả đều còn mù mờ, đặt ra lo ngại về khả năng cạnh tranh của Việt Nam khi hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế của khu vực.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại (Bộ Công thương), đồng thời là Phó Đoàn Đàm phán AEC của Việt Nam cho biết, hiện nay các chỉ số so sánh của Việt Nam với các nước đều nằm ở vị trí khiêm tốn.
Chẳng hạn, dù là nước đông dân thứ 3 khu vực (sau Indonesia, Philipines) nhưng về chỉ số GDP đầu người; thị trường tiêu dùng; đầu tư; năng suất lao động; tiền công lao động;…đều thua kém các nước, thậm chí một số chỉ tiêu thua kém cả các quốc gia như Lào, Brunei.
Theo so sánh về tăng trưởng GDP đầu người (tính theo % mức GDP của Hoa Kỳ) thì Việt Nam chỉ xếp trên được Campuchia, Lào và Myanma, trong khi xếp sau cả nước có quy mô dân số nhỏ nhất khu vực là Brunei (Việt Nam 4%; Brunei 78%).
Về tiền công trung bình hàng ngày cho công nhân ở Việt Nam thậm chí kém hấp dẫn hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực, như: Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Trong khi đó, nếu so sánh với Trung Quốc thì tiền công cho lao động ở Việt Nam chỉ bằng ¼ so với Trung Quốc. Hiện tiền công trung bình hàng ngày của một công nhân tại Việt Nam chỉ ở mức 6,7 USD/công nhân/ngày (Trung Quốc là 27,5 USD/công nhân/ngày).
Ông Lương Hoàng Thái, cũng cho biết, từ các chỉ số so sánh nêu trên cho thấy, để đủ sức cạnh tranh thì các nước ASEAN không thể đứng một mình, nghĩa là phải có kế hoạch xây dựng một thị trường chung, mà trước mắt là Cộng đồng AEC vào cuối năm nay.
Theo ông Thái, thị trường chung giữa các nước ASEAN ngoài việc loại bỏ thuế nhập khẩu và hàng rào phi quan thuế cho thương mại nội khối và có biểu thuế nhập khẩu chung với đối tác ngoài khối, các thành viên còn xóa bỏ hạn chế đối với việc lưu chuyển các yếu tố sản xuất khác như vốn, lao động … Cụ thể, trước mắt là Cộng đồng AEC đang được xây dựng và chuẩn bị có hiệu lực vào cuối năm nay.
Khi AEC có hiệu lực, Việt Nam cũng sẽ chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ về nguồn lao động nước ngoài vào thị trường trong nước, buộc chất lượng nguồn nhân lực nội địa phải được nâng cấp để đủ sức cạnh tranh.
Ngược lại, thị trường nhiều tiềm năng, cũng như lợi thế về nhân lực rẻ và dồi dào của Việt Nam sẽ bị lao động nước ngoài chiếm lĩnh. Đó là chưa kể các sức ép về lao động, việc làm, an sinh xã hội mà các địa phương sẽ phải gánh chịu khi thị trường lao động bị cạnh tranh gay gắt.
Theo ông Lương Hoàng Thái, thách thức lớn nhất hiện nay là Việt Nam còn bị động khi phải chấp nhận tất cả các cơ chế hợp tác về kinh tế sẵn có của ASEAN, trong đó có các bước chuẩn bị để hình thành AEC (chỉ đàm phán về lộ trình thực hiện).
Trong đó, Việt Nam cũng sẽ phải chấp nhận cạnh tranh ở mức cao nhất là cam kết cắt giảm thuế sâu và mạnh hơn tất cả các FTA sau này, đối tác lựa chọn là các nước cạnh tranh trực tiếp nhất (ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ). Ngoài ra, khi tham gia AEC thì Việt Nam cũng vẫn sẽ còn “dư địa” khi chưa cam kết nhiều về mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, áp dụng các biện pháp phi thuế quan…
Để chuẩn bị cho quá trình hội nhập vào AEC, các chuyên gia khuyến nghị ngay từ thời điểm hiện tại Việt Nam cần thực hiện rà soát lại mức độ cam kết trong ASEAN để hướng tới mức cao hơn. Bên cạnh đó, cần có các hành động cụ thể để mở rộng phạm vi và tăng mức độ cam kết về cả hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, di chuyển của người lao động có tay nghề, tự do hóa hơn luồng di chuyển vốn,…