Ngày 30/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có chỉ đạo khẩn liên quan tới việc bé 5 tuổi tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón tại Thái Bình.
Vụ việc này lại một lần nữa khiến dư luận bàng hoàng, bức xúc vì những bài học tương tự vẫn chưa hề cũ.
Theo đó, học sinh (HS) bị bỏ quên trên xe đưa đón là 1 bé trai sinh năm 2019. Bố mẹ đi làm xa nhà nên em ở với bà ngoại tại xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. 6 giờ 20 phút sáng 29/5, lái xe và nhân viên nhà trường có nhiệm vụ đón trẻ mầm non từ các gia đình đến Trường Mầm non Hồng Nhung 2, trong đó có cháu bé nói trên. Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, người thân của cháu đến đón, không thấy cháu ở lớp nên đã báo cho nhà trường tập trung tìm kiếm và phát hiện cháu vẫn ở trên xe đưa đón HS của nhà trường (xe đậu tại khuôn viên nhà trường). Do lái xe không có mặt tại trường, mọi người đã phải phá cửa xe đưa cháu đi cấp cứu. Khi được đưa tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, bệnh viện xác định cháu đã tử vong.
Ngay sau sự việc, tối 29/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án “vô ý làm chết người” để điều tra làm rõ các tình tiết, động cơ, nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Sáng 30/5, UBND tỉnh Thái Bình đã có chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động của các trường mầm non và việc đưa đón trẻ em, bảo đảm môi trường an toàn khi trẻ đến trường. Cùng đó, Sở GDĐT tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Phòng GDĐT TP Thái Bình, chính quyền xã Phú Xuân, các cơ quan, đơn vị kịp thời thăm hỏi, chia sẻ, động viên, hỗ trợ gia đình trẻ bị nạn; phối hợp với các đơn vị chức năng làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, nhất là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các trường mầm non tư thục.
Sự việc đau lòng này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về trách nhiệm của người lớn, của giáo viên trong quá trình quản lý đưa đón HS. Trước đó năm 2019, bé trai 6 tuổi ở Hà Nội bị bỏ quên trên ô tô đưa đón dẫn đến tử vong. Lái xe, giám sát HS và giáo viên chủ nhiệm đã bị truy tố, phạt tù vì các tội “vô ý làm chết người” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Điều đáng nói là bé trai 5 tuổi vừa tử vong nói trên bị bỏ quên trên ô tô trong điều kiện thời tiết nắng nóng (nhiệt độ ngoài trời khoảng 35 độ C). Khi xe ô tô đóng cửa, tắt máy dưới trời nắng, nhiệt độ trong xe sẽ tăng lên rất nhanh, khoảng gấp rưỡi nhiệt độ bên ngoài trong vòng 1 tiếng, với mức tăng thêm 3-6 độ sau mỗi 10 phút. Trẻ bị sốc nhiệt sẽ tác động đến toàn bộ cơ quan trong cơ thể như hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, suy thận, suy gan, tổn thương não, hôn mê… Nếu nhiệt độ trong cơ thể trẻ đạt tới hơn 40 độ C, các cơ quan của trẻ sẽ ngừng hoạt động và khi nhiệt độ cơ thể đạt tới 41,6 độ C thì trẻ nguy cơ cao tử vong.
Chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương chia sẻ, vụ việc 1 cháu nhỏ mầm non bị quên trên xe ô tô dẫn đến tử vong là vô cùng đau đớn. Không hiểu vì sao sau nhiều vụ việc tương tự xảy ra, việc đảm bảo an toàn cho trẻ lại khó khăn đến vậy?
Bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, nhiều ĐBQH đã bày tỏ quan điểm về vụ việc này. ĐB Nguyễn Thị Sửu (đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế) cho rằng, cần rà soát lại quy định về tổ chức các trường mầm non, công lập và tư thục và ngoài công lập; quy chế hoạt động của các trường, nhất là trường tư thục để những sự việc thương tâm không tái diễn. ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) nhận định đang có một khoảng trống pháp lý liên quan tới quản lý về xe đưa đón HS. Bà Thoa kỳ vọng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội xem xét sẽ quy định chặt chẽ về quản lý xe đưa đón HS cho phù hợp với thực tiễn. Còn theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, trách nhiệm của nhà trường trong vụ việc này là không thể chối bỏ, vì sự việc xảy ra trong khoảng thời gian HS đến trường.