Tới thời điểm này giá phân bón đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên ngành phân bón được dự báo sẽ tiếp tục đối diện các vấn đề nóng khi giá nguyên liệu thô tăng, nguồn cung khí khan hiếm, chi phí đầu vào tăng đồng loạt.
Khó hạ nhiệt
Ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, giá phân bón năm 2021-2022 có mức tăng từ 1.000 đến 1.900 đồng/kg, tăng nhanh trong vòng 50 năm trở lại đây. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây giá phân bón đã có dấu hiệu hạ nhiệt với việc Trung Quốc bắt đầu mở cửa thị trường và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón. Điều này dẫn tới nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ. Dù vậy, hiện nay sản xuất phân bón vẫn còn phụ thuộc lớn vào giá gas và giá xăng dầu. Trong đó giá gas chiếm tới khoảng 80-90% giá thành sản xuất amoniac - đầu vào quan trọng để sản xuất phân đạm ure, DAP nên giá phân bón khó có thể hạ nhiệt trong năm nay.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, xung đột Nga - Ukraine chưa chấm dứt, an ninh năng lượng toàn cầu vẫn gặp thách thức. Sang đầu năm 2023, nguồn cung khí tiếp tục khan hiếm nên giá cũng duy trì mức cao. Phân bón cùng chịu áp lực mà tăng theo. Giá bán ra không bù nổi chi phí đầu vào nên nhiều nơi phải cắt giảm sản xuất ure khiến nguồn cung phân bón thế giới thiếu hụt trầm trọng.
Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) cũng đưa ra 3 kịch bản dự báo cho thị trường phân bón thế giới trong năm 2023. Kịch bản thứ nhất, IFA dự đoán nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ giảm vào năm 2023 và đạt 194,6 triệu tấn vào năm 2026, nghĩa là nhiều hơn 2 triệu tấn so với năm 2019, nhưng thấp hơn 9 triệu tấn so với mức năm 2020. Ở kịch bản trung bình, nhu cầu phân bón thế giới ở mức 202,1 triệu tấn vào năm 2026. Ở kịch bản lạc quan, nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ đạt 211,1 triệu tấn vào năm 2026. Tuy nhiên, trong cả 3 kịch bản này, IFA cũng cho rằng rất ít khả năng giá phân bón sẽ giảm xuống thấp hơn vào năm 2023.
Tìm giải pháp ứng phó
Nhận định về thị trường phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay giá phân bón vẫn ở mức cao trong năm 2022 đã đẩy chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao. Trước kia, chi phí cho phân bón chiếm khoảng 20 -25% vật tư nông nghiệp, nhưng nay đã lên tới 40-50%. Trong khi đó, giá các mặt hàng nông sản khác dù tăng nhưng khó có thể bù đắp được chi phí phân bón nói riêng và vật tư nông nghiệp nói chung. Chính vì vậy, việc chủ động nguồn cung là giải pháp hữu hiệu để ổn định giá phân bón thị trường trong nước.
Theo ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, với thực tế là chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản xuất nông sản nên việc sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào. Trong đó tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ là giải pháp ít tốn kém mà đem lại hiệu quả cao.
“Xu hướng sắp tới, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững được chú trọng, khiến việc sử dụng phân bón chất lượng cao, hàm lượng dinh dưỡng lớn, phát triển các loại phân bón hữu cơ, vi sinh, sử dụng tiết kiệm và không gây ô nhiễm môi trường ngày càng được coi trọng hơn” - ông Hồng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cho rằng, cần phát triển cân đối giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ vì đây là xu thế phát triển tất yếu, đáp ứng nhu cầu của người nông dân; hướng đến các mặt hàng chất lượng cao, an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường và tránh được giá phân bón hóa học đang ở mức cao. Theo thống kê tính đến hết năm 2022, cả nước có 468 nhà máy, cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ, tổng công suất thiết kế 4,7 triệu tấn, tăng 4,4 lần so với năm 2017.
Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao Vũ Xuân Hồng cho biết, nhằm ổn định giá phân bón, Supe Lâm Thao đang tìm kiếm các nguồn nhập khẩu SA giá tốt từ Trung Đông, châu Phi và ure từ các nhà máy trong nước. Do đó, giá phân bón bán ra thị trường của Supe Lâm Thao luôn được giữ ổn định so với quý IV/2022.
Mặt khác, công ty cũng nỗ lực giảm giá vận chuyển phân bón trong bối cảnh giá xăng dầu, chi phí bốc vác tăng. Theo đó, công ty đã chuyển sang sử dụng các phương tiện vận chuyển rẻ hơn bằng đường sắt hoặc đường thuỷ thay vì chỉ vận chuyển bằng đường bộ như trước đây. Cùng với đó, công ty tính toán hợp lý để vận chuyển hàng hai chiều, giúp giảm tối đa chi phí vận chuyển.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp khoảng 11 triệu tấn/năm. Các nhà máy sản xuất trong nước cung ứng khoảng 6 - 7.5 triệu tấn, gồm các loại phân bón chủ lực như: Phân lân (supe lân, lân nung chảy), phân Urea, phân NPK; trong khi phân SA và Kali phụ thuộc vào nhập khẩu.