Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi) khoảng 165.000 tỷ đồng với hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng, khiến nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng tăng lên.
Tính đến thời điểm cuối tháng tháng 7/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng ở mức 4,75%, tăng so với mức 4,55% vào cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu của khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại thời điểm cuối tháng 6/2024 lên tới 7,77%.
Chưa hết, theo số liệu mới nhất mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, dư nợ của các TCTD bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 khoảng 165.000 tỷ đồng với hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng.
Như vậy có thể thấy rằng, từ đầu năm 2024 đến nay nợ xấu đã tăng và có nguy cơ tăng rất nhanh.
Thực tế cũng cho thấy, công tác thu hồi nợ xấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Tại thời điểm này, nhiều ngân hàng đang cấp tập rao bán tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ. Tài sản được rao bán là nhà đất, thiết bị, nhà xưởng… Trong khi đó, các ngân hàng còn phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay, thậm chí đưa ra các gói hỗ trợ cho các khách hàng nằm trong vùng bão lũ. Điều này sẽ càng “bào mòn” lợi nhuận của ngành ngân hàng và tiếp tục đẩy nợ xấu gia tăng.
Theo ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VIB, tình trạng trên khiến các ngân hàng gặp khó khăn vì phải trích dự phòng rủi ro, dừng dự thu lãi trong khi vẫn phải trả chi phí huy động vốn hàng ngày.
Được biết NHNN đã dự thảo Thông tư tái cơ cấu nợ và xin ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp (DN), người dân. NHNN đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Tư pháp để ban hành Thông tư theo hướng rút gọn; chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) chủ động tính toán các phương án hỗ trợ, xem xét cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay, thiết kế các gói tín dụng mới.
TS Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính - Học viện Tài chính cho rằng, việc triển khai thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ sẽ do từng ngân hàng thương mại chủ động, đánh giá khách hàng dựa trên từng hợp đồng vay, mối quan hệ… Cho nên, các NHTM cần chủ động kết nối với chính quyền địa phương để có xác nhận thiệt hại của khách hàng mà không nên đợi doanh nghiệp "kêu cứu". Điều này thể hiện được tinh thần đồng hành đôi bên cùng có lợi, bởi nếu DN không thể khôi phục sản xuất thì mất khả năng thanh toán, ngân hàng sẽ bị gia tăng nợ xấu.
Trong khi đó để xử lý được nợ xấu, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Giám đốc Sacombank đề nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm theo Luật TCTD năm 2024 (ban hành các Nghị định, thông tư hướng dẫn, xem xét các biện pháp thay thế biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm). Đồng thời, có hướng dẫn chi tiết hơn về việc khởi kiện đối với việc cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm qua ứng dụng (App).
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc OCB cũng đề nghị Chính phủ và NHNN tạo cơ chế cho việc xử lý nợ mạnh mẽ tương tự Nghị quyết 42 tạo thuận lợi cho ngân hàng thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm. Đồng thời cần có hành lang pháp lý thống nhất liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản cho ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, bởi quy định hiện nay đang thực hiện không đồng bộ giữa các địa phương, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xử lý tài sản.