Hiện nay, tỉ lệ mắc đột quỵ đang gia tăng đối với cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi, khiến ngành y tế Việt Nam chi phí khoảng 48 triệu USD/năm (tương đương hơn 1.070 tỉ đồng).
230.000 người bị đột quỵ mỗi năm
Đó là những con số đáng lo ngại được các chuyên gia đưa ra tại chương trình đào tạo phục hồi chức năng cho các bác sĩ, kỹ thuật viên vừa được tổ chức mới đây tại BV Thống Nhất TP HCM.
Theo đó, ở Việt Nam, tỷ lệ mắc đột quỵ đang gia tăng đối với cả hai giới nam và nữ ở các lứa tuổi. Hàng năm có khoảng 230.000 ca mới và ước tính ngành y tế Việt Nam chi phí khoảng 48 triệu USD/năm (tức hơn 1.070 tỉ đồng) cho việc này.
Trước đó, Hội nghị khoa học Đột quỵ và Thần kinh toàn quốc lần thứ 7 đã ước tính mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc mới đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Như vậy, chỉ tính riêng trong năm 2018 tỷ lệ mắc đột quỵ đã gia tăng thêm 30.000 ca mắc mới so với năm 2017.
Đột quỵ có rất nhiều nguyên nhân nhưng 3 nguyên nhân phổ biến nhất là tăng huyết áp làm thoái hoá tắc mạch hoặc làm nứt vỡ mạch máu não; bệnh lý xơ vữa gây hẹp và tắc động mạch não; rung nhĩ tạo cục máu đông trôi làm tắc mạch não. Người bị đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh tim, mạch vành, xơ vữa động mạch chân, béo phì, hút thuốc lá, ít vận động, uống nhiều rượu bia có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Khi bị đột quỵ, người bệnh có thể rơi vào tình trạng bỗng dưng đổ gục xuống, hôn mê, đối mặt với di chứng tàn tật, thậm chí tử vong.
Ths Hoàng Thị Phú Bằng, Viện Tim mạch Quốc gia (BV Bạch Mai) cho biết: Nguyên nhân chính của đột quỵ là tăng huyết áp. Nghiên cứu tại Viện Tim mạch cho thấy cứ 10 người có đột quỵ lần đầu thì 8 người có tăng huyết áp.
Di chứng nặng nề
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ ba sau các bệnh lý về tim mạch và ung thư, nhưng đứng hàng đầu về tỷ lệ tàn tật ở người trưởng thành.
Trong thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng nề như: liệt nửa người, rối loạn nuốt, thất ngôn, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, loét tỳ đè… Trong số đó, chỉ 25-30% tự đi lại phục vụ bản thân, 20-25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày và 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.
Theo Ths Dương Trung Kiên- phó trưởng Khoa Phẫu thuật thần kinh (BV Xanh Pôn): Mỗi năm, BV này phải tiếp nhận khoảng 2.000 người bị đột quỵ, trong đó có hơn 100 người bị tai biến nặng phải phẫu thuật. Số người bị di chứng do đột quỵ cũng rất lớn.
Đáng lo ngại hơn khi trước đây đột quỵ chỉ xuất hiện ở người già thì nay, đột quỵ đang dần bị trẻ hóa. PGS.TS Lương Tuấn Khanh- Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng (BV Bạch Mai), cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột quỵ ở người trẻ tuổi là bởi các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống hiện đại và bệnh mãn tính đã thúc đẩy liên tục và khởi phát quá trình diễn tiến thành đột quỵ ngày càng gần hơn.
Hơn nữa, ở độ tuổi ngoài 30 thường được xem là giai đoạn sung sức, ít bệnh tật nhất. Điều này dễ dẫn đến tâm lý chủ quan nên khi có người thân ở tuổi này trong nhà bị bệnh ai cũng đều bất ngờ. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng bận rộn với công việc, cuộc sống khiến người ta dần bỏ quên thói quen vận động cơ thể nhưng ít ai biết rằng ít vận động cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
Không nên để lỡ “thời gian vàng”
Từ trước đến nay, nhiều người vẫn quan niệm về “đột quỵ” chỉ là một dạng cảm mạo thông thường nên việc cấp cứu chỉ có tính chất trì hoãn như đánh gió hoặc làm các thủ thuật khác mà chưa được chứng minh là nó có lợi. Chính những quan niệm đó đã gây rất nhiều bất lợi trong quá trình chữa bệnh vì nó làm mất đi “thời gian vàng” để cấp cứu bệnh nhân.
Ths Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết: 3 giờ đầu tiên sau đột quỵ là “thời gian vàng” để cứu chữa vì khả năng hồi phục rất cao. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi. Do đó, sau khi bị đột quỵ, bệnh nhân càng đến BV muộn, nguy cơ hồi phục càng thấp. Trong khi đó, nhiều bác sĩ chưa nhận biết biệt được đột quỵ, cùng với tình trạng ách tắc giao thông phổ biến hiện nay đã khiến cho việc cứu chữa bệnh nhân trở nên khó khăn.
Ths Dương Trung Kiên khuyến cáo: Khi bị đột quỵ, không nên áp dụng các phương pháp truyền miệng hoặc sử dụng thuốc không biết chính xác hiệu quả vì sẽ làm chậm trễ “thời gian vàng” cho điều trị. Đặc biệt người đã từng bị đột quỵ không nên chủ quan sau khi đã chữa khỏi mà cần phải uống các loại thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh căn nguyên.