Thông thường vào tháng 11, nhiều loại thực phẩm, nhất là thịt lợn vào chu kỳ tăng giá do nhu cầu tăng. Song, năm nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng hay giá bán buôn tại các chợ đầu mối giảm liên tiếp.
Người chăn nuôi gánh lỗ
Theo khảo sát của PV những ngày qua, lợn hơi được thu mua quanh mức 51.000 - 55.000 đồng/kg. Cụ thể, tại thị trường miền Bắc, mức giao dịch cao nhất được ghi nhận tại Hưng Yên với 56.000 đồng/kg. Thấp hơn 1.000 đồng/kg, ở mốc 55.000 đồng/kg là giá thu mua tại các địa phương gồm: Thái Nguyên, Thái Bình, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang. Tại các tỉnh, thành còn lại, thương lái đang giao dịch trong khoảng 52.000 - 54.000 đồng/kg.
Tại miền Trung và Tây Nguyên, Đắk Lắk vẫn là địa phương có giá thu mua thấp nhất khu vực, ở mức 51.000 đồng/kg. Trong khi đó, Bình Thuận vẫn neo ở ngưỡng giá cao nhất khu vực hiện nay: Thu mua với mức 55.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, ngoại trừ Cần Thơ tăng nhẹ 1 giá, lên mức 53.000 đồng/kg thì các địa phương còn lại đi ngang. Hiện Kiên Giang vẫn đang ở mức giá thấp nhất khu vực, 51.000 đồng/kg. Trong khi đó, tỉnh Cà Mau tiếp tục ghi nhận mức giao dịch cao nhất khu vực nhưng cũng chỉ 55.000 đồng/kg.
Như vậy tính chung cả 3 miền đang thu mua giá lợn hơi cao nhất ở mức 55.000 đồng/kg. Với mức giá này theo các hộ chăn nuôi trung bình mỗi một kg lợn hơi bán ra người chăn nuôi đang gánh lỗ từ 5.000 đến 8.000 đồng.
Nhận định về tình hình này, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, giá lợn hơi hiện nay phụ thuộc vào thị trường, sức mua. Các nguồn tiêu thụ nói chung đều giảm trên cả nước. Ví dụ như các bếp ăn tập thể, người lao động bị ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn nên thu nhập giảm, nhiều công ty xí nghiệp giảm giờ làm, thậm chí phải giảm bớt công nhân, do đó nhu cầu cũng giảm… Những yếu tố đó đã khiến giá thịt lợn cũng giảm theo.
Nhiều số liệu thống kê cũng cho thấy, hiện lượng tiêu thụ thịt heo bình quân trên đầu người đã giảm mạnh so với trước đây. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos, nếu như năm 2018, bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ 31,4kg thịt heo/năm thì đến năm 2022 số lượng này giảm còn 23,5kg/năm.
Ngược lại, số lượng tiêu thụ thịt gia cầm tăng 8,5%/năm. Cụ thể, năm 2020, bình quân mỗi người tiêu thụ 17kg gia cầm/năm thì đến năm 2022 tăng lên 20kg/năm. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 8kg thịt heo/người/năm đã được thay thế bằng thịt gia cầm và loại thịt, cá khác.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), ước tính tổng đàn lợn cả nước đến cuối tháng 10/2022 tăng khoảng 13,6% so với cùng thời điểm năm 2021; tổng số gia cầm của cả nước ước tính tăng khoảng 5,2%. Nguồn cung tăng trong khi sức mua yếu đang gây áp lực lớn đến giá bán.
Thực tế, giá lợn hơi hiện nay đang rớt mạnh, trong khi giá thành sản xuất tăng cao, ước tính các hộ chăn nuôi đang gánh lỗ từ 8.000 - 10.000 đồng/kg tùy quy mô. Đây là hiện tượng bất thường vào thời điểm cuối năm, nhiều hộ chăn nuôi lo lắng, bất an không biết có nên tái đàn hay không.
Giảm dần nhập khẩu nguyên liệu
Trước thực trạng này, đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị, về lâu dài, Chính phủ cần có chính sách về lãi suất, về đất đai cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn, chăn nuôi an toàn sinh học theo chu kỳ sản xuất. Trong đó, thực hiện cho vay ưu đãi, giãn nợ, xóa nợ, tạm thời chưa thu nợ (như nợ trả lãi và nợ gốc cho ngân hàng, nợ tiền sử dụng đất, tiền nộp thuế thu nhập doanh nghiệp…). Đồng thời, miễn giảm các khoản người chăn nuôi cần chi trả như chi phí điện, nước, phí môi trường, phí kiểm dịch….
Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Nhà nước không can thiệp vào giá cả thị trường, song sẽ cố gắng để cân đối lợi ích giữa các bên là Nhà nước, doanh nghiệp, người chăn nuôi.
Theo ông Thắng, hiện nay nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vẫn đang tăng lên, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, đây là tín hiệu tích cực cho đầu ra chăn nuôi. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn đang gặp phải những khó khăn như giá thức chăn nuôi tăng cao, khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi… Đây là câu chuyện mà Nhà nước phải đứng ra gỡ khó cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng vừa ký văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với thức ăn chăn nuôi. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành chăn nuôi. Để hỗ trợ thúc đẩy chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu, Bộ NN&PTNT cũng đang chuẩn bị trình Chính phủ xem xét, phê duyệt dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước. Đồng thời phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương nhằm chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc vào thức ăn chăn nuôi nhập khẩu…
Trước thực trạng giá thịt lợn hơi trong nước giảm mạnh, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc phối hợp nghiên cứu vấn đề xuất khẩu thịt lợn. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.