Mặc dù hiện nay giá thịt lợn đã giảm ở cả siêu thị và hệ thống phân phối truyền thống, nhưng nếu trừ đi chi phí lưu thông, trung gian thì giá bán vẫn cao.
Cạn kiệt nguồn vốn
Sau gần 1 năm gắng gượng lấy công bù lỗ, bà Nguyễn Thị Loan, xóm Trại lợn, xã Trung Mỹ, Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc quyết định ngừng chăn nuôi lợn. Với thâm niên mấy chục năm chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại, bà Loan cho biết, đây là giai đoạn khủng hoảng nhất đối với người chăn nuôi khi mà giá thịt lợn hơi “chìm sâu” song vẫn ế, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi lại tăng.
“Trước kia khi giá thịt lợn giảm sâu, không xuất hết cho công ty, tôi chuyển sang bán lẻ cho các thương lái, trung bình mỗi ngày xuất được 10 đến 20 con. Thế nhưng nay cả 2 kênh này đều ế. Sau nhiều tháng cầm cự, gia đình quyết định không tái đàn. Dù hiện chưa biết chuyển hướng chăn nuôi hay sản xuất gì nhưng vốn và công của gia đình đã cạn kiệt sau gần 2 năm thịt lợn hơi giảm giá” - bà Loan trăn trở.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Tường - Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) cho biết, để giảm thiểu thua lỗ, hợp tác xã phải kết hợp bán buôn cho thương lái và giao thịt lẻ cho các điểm nhà hàng, quán ăn, sạp chợ. Nhưng hơn 2 năm qua, giá thịt lợn hơi biến động mạnh, cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, hợp tác xã buộc phải lên kế hoạch thu hẹp đàn vì cạn vốn.
Tại Hà Nam, ông Nguyễn Thế Chinh - Trưởng ban quản lý chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam cho biết, giá lợn hơi hiện đã xuống đáy, trong khi chi phí đầu vào chăn nuôi dội lên rất cao. Điều này khiến người chăn nuôi càng nuôi nhiều càng thua lỗ. Theo ông Chinh thời gian gần đây, số lượng lợn hơi mỗi ngày buôn bán, tiêu thụ qua chợ đầu mối trung bình chỉ từ 7- 10 xe, tương đương từ 1.000 – 1.800 con, giảm khoảng 40% so với thời điểm trước Tết nguyên đán.
Theo các thương lái, nguyên nhân giá lợn hơi giảm do nguồn cung dồi dào mà lượng tiêu thụ thì chậm. Điều đáng nói là, dù giá lợn hơi giảm sâu trong thời gian qua nhưng chi phí chăn nuôi mỗi ngày lại tăng thêm. Đến thời điểm này, giá cám tăng hơn 100.000 đồng/ bao 50 kg, hiện ở mức 350.000 đồng/bao cho heo sinh sản; hơn 400.000 đồng/bao 50 kg cho heo thịt. Với mức giá thức ăn này cộng với công chăm sóc trung bình mỗi con lợn từ lúc bắt đầu nuôi đến khi xuất chuồng tăng lên từ 5,5 - 5,7 triệu đồng/con, trong khi trước đây chi phí này chỉ khoảng 3,7 - 4 triệu đồng/con.
Chuyên gia kinh tế PGS - TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, giá lợn hơi xuống thấp như hiện nay là do quy luật cung cầu. Người lao động mất việc làm, giảm thu nhập nên đã cắt giảm chi tiêu bằng việc chuyển sang các loại thực phẩm khác thay thế với giá rẻ hơn.
Nguy cơ thiếu thịt lợn
Trước tình hình này, các chuyên gia cảnh báo nguy cơ khủng hoảng thiếu thịt lợn và giá sẽ tăng đột biết từ khoảng tháng 8 đến hết năm 2023 là điều rất dễ xảy ra.
Do vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Để ổn định thị trường, theo ông Long, cần có giải pháp để kích cầu tiêu dùng, giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi như giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho vay vốn tín dụng để người chăn nuôi tái đàn.
Đồng quan điểm, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, vì thua lỗ kéo dài dẫn đến hụt vốn, người chăn nuôi sẽ không tái đàn hoặc hạn chế tái đàn. Ông Phú nhấn mạnh, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thiếu lợn hơi trong thời gian từ quý 3 đến cuối năm.
Bên cạnh những chính sách về vốn, nguồn nguyên liệu, theo ông Phú cần tổ chức tốt hệ thống phân phối, thiết lập sớm các chuỗi cung ứng ngắn đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, giảm trung gian, chi phí không cần thiết xây dựng các tập đoàn bán lẻ có tính chia sẻ với nhà cung ứng, các hợp tác xã, nông dân có hàng hóa nông sản đưa vào các kênh phân phối; Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, nhập khẩu và hệ thống bán lẻ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất phân phối hiện nay đang còn những vấn đề cần phải khắc phục.
Ở góc độ khác, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, sở dĩ vẫn có tình trạng khủng hoảng nguồn cung thiếu - thừa thịt lợn là do công tác quy hoạch chưa bài bản. Đặc biệt, khâu chế biến và tiêu thụ thịt lợn chưa tổ chức được hệ thống, nên giữa giá lợn hơi đến thịt lợn thành phẩm vẫn chênh lệch rất cao, các khâu trung gian lãi quá nhiều trong quá trình này.
Ông Thủy cho rằng , để điều tiết tốt cung – cầu cần quy hoạch lại việc phân khu nguồn cung và chia phân khúc tiêu dùng. “Trong những lúc nguồn cung dồi dào, cơ quan quản lý cần tổ chức thu mua lợn cho người nuôi trên mức giá thành, đưa mặt hàng thịt lợn vào diện dự trữ từ 6 - 8 tháng để ổn định thị trường. Cùng với đó, nhà nước cần có chính sách giảm bớt khâu trung gian, hạn chế nhập khẩu thịt lợn mát để đảm bảo cho người nuôi có lãi và người tiêu dùng được hưởng nguồn thực phẩm thiết yếu theo đúng giá trị thật” - ông Thủy đề xuất.
Cần tăng cường công tác kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, tăng giá và bán giá bất hợp lý so với thực tế từng thời kỳ, nhất là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm đặc biệt là mặt hàng thịt heo luôn chiếm từ 60 - 70% trong cơ cấu bữa ăn của từng gia đình Việt Nam (chuyên gia Nguyễn Vinh Phú).