Giá trị của thực tế

NGUYỄN HIẾU 09/09/2022 07:38

Các tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng đều là kết quả của sự quan sát, nhận thức thực tế cuộc sống từ tác giả. Trong trường hợp này, các nhà lý luận thường ví tác giả như con ong cần cù, bay lượn giữa vườn hoa cuộc sống đa dạng, tiếp xúc, va đập và đắm mình trong cộng đồng để từ đó hút nhiều loại hương nhụy, màu sắc để làm chất liệu rồi qua sàng lọc bởi trí tuệ, nhận thức, quan điểm của tác giả mà làm nên tác phẩm.

Đoàn nhà văn TP HCM trong một chuyến đi thực tế ở Cần Giờ, năm 2021. Ảnh: Nguyên Hùng.

1.Tôi nhớ khi chính quyền công nông mới được thành lập, Đảng và Nhà nước ta đã có một chủ trương đúng đắn là dứt các nhà văn, các nghệ sĩ khỏi tháp ngà của cá nhân để đưa họ đến hòa đồng thâm nhập với cuộc sống công, nông binh. Những Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân… một thời mộng mơ đã đến với công nhân vùng mỏ, đến với công nhân sông Đà để có được “Trời mỗi ngày một sáng”, “Anh tài Lạc”, “Tùy bút sông Đà”, “Ngói mới”,… Võ Huy Tâm mới có “Vùng mỏ”, nhạc sĩ Hoàng Vân có nhạc phẩm “Người thợ lò”… Ngay như nhà viết kịch tài năng Lộng Chương phải cùng với cán bộ cải tạo tư bản tư doanh Hà Nội tham gia cuộc vận động này ông mới có được kiệt tác “Quẫn”, “Cửa mở hé”, Đồ Phồn mới có tiểu thuyết “Phất”, Nguyễn Công Hoan mới có “Đống rác cũ”, Nguyễn Đình Thi có “Vỡ bờ”...

Không đắm mình, sống cùng anh em bộ đội trong ác liệt của chiến tranh, bom đạn làm sao nhạc sĩ Đỗ Nhuận có “Du kích sông Thao”, “Giải phóng Điện Biên”, Nguyễn Thành có “Qua miền Tây Bắc”, Hoàng Vân có “Hò kéo pháo”, “Quảng Bình quê ta ơi”… Trong chiến tranh chống Mỹ, Phạm Tiến Duật không là anh bộ đội lái xe trong chiến trường thì làm sao có được “Tiểu đội xe không kính”, Hữu Thỉnh không là lính thiết giáp thì khó viết nên “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, Thanh Thảo không đi cùng chiến sĩ Quảng Nam thì làm sao có trường ca “Dấu chân qua trảng cỏ”…

Ngay như cá nhân tôi, vào buổi đầu tập tọng sáng tác vào năm 1971, không cùng hoạ sĩ Lưu Công Nhân, nhà văn Nguyễn Văn Bổng, nhà văn Huy Phương… đi thực tế tại công trường xây dựng thuỷ điện Thác Bà thì cũng không viết được bộ ba kịch bản sân khấu “Bản trường ca kiến thiết bắt đầu như thế nào?”, và những năm giữa thập niên 70 của thế kỉ trước không chứng kiến cuộc vận động “ba xây ba chống” do Thành ủy Hà Nội dạo đó phát động thì làm sao tôi có thể viết được hài kịch “Chuyện như thế thì cần phải nói” được đạo diễn Lộng Chương dựng cho Đoàn kịch Công nghiệp Hà Nội vào năm 1976.

Những năm giữa thập niên 80 của thế kỉ trước nếu tôi không may mắn được là thành viên trong đoàn nhà báo đi cùng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sĩ Nguyên lên khởi công đường bê tông từ Bắc Kạn ra biên giới thì làm sao tôi viết được tiểu thuyết “Bụi đường” đoạt giải Nhất cuộc thi về đề tài giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào những năm đầu thập niên 90.

Lấy dẫn chứng về thành tựu tác phẩm của những bậc tiền bối, những cây đa cây đề trong nền văn nghệ nước ta và cả một vài tác phẩm nho nhỏ của cá nhân mình để khẳng định một điều: Thực tế cuộc sống đối với sáng tác văn học - nghệ thuật như mảnh đất. Sự màu mỡ hay cằn cỗi là điều cực kì quan trọng để từ đó qua trí óc, tài năng của tác giả chắt lọc để hình thành những tác phẩm là điều cực kì quan trọng và giữ vai trò đầu tiên, thiết yếu đối với sự ra đời cũng như chất lượng tác phẩm.

Maksim Gorky - cha đẻ của nền văn chương dành cho người lao động từng khẳng định: “Kịch bản sân khấu là thể loại văn học khó nhất trong văn chương”. Trong nghề chúng ta bất kì một tác giả nào dù đã viết hàng trăm kịch bản cho đến tác giả mới bắt đầu sáng tác đều hiểu được sự khó này. Chỉ trọn vẹn trên dưới 60 trang viết, cũng chỉ dùng phương tiện biểu hiện duy nhất là đối thoại giữa các nhân vật. Kịch bản sân khấu chẳng những mang tải dung lượng phản ánh cuộc sống của cả một cuốn tiểu thuyết có bề dày vài ba trăm trang, thậm chí hàng nghìn trang.

Đó là chưa kể ở những kịch bản sân khấu thành công và kinh điển như kịch bản của William Shakespeare, Henrik Ibsen, Molière, Tào Ngu, Quách Mạt Nhược, Đào Tấn, Nguyễn Huy Tưởng,… còn chứa đựng những thông điệp lớn mang tầm thời đại, những dự báo về tương lai, những cảnh tỉnh lương tâm con người.

Nói thâm nhập thực tế xã hội để tìm hiểu, để hòa đồng và am hiểu thế giới xung quanh cũng như con người để viết nên tác phẩm. Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây là việc xâm nhập cuộc sống được hiểu như thế nào để sự xâm nhập đó mang lại hiệu quả?

2.Trên dưới 20 năm vừa qua, với tư cách là hội viên của các Hội chuyên ngành nghệ thuật, tôi cũng được tham dự nhiều chuyến đi thực tế. Nhưng quả thật, nhìn lại mới thấy rằng những chuyến “thực tế” đó thực ra chỉ là những chuyến tham quan, giao lưu, trao đổi, du lịch ngắn ngày.

Bởi lẽ những chuyến thực tế đó đa phần gói trọn trong một ngày, hoặc cùng lắm là hai, ba ngày. Những thành viên được tuyển chọn ngồi lên xe đến một địa điểm nào đó, đa phần là những di tích, danh thắng hoặc nhà lưu niệm nhà văn, nhà thơ danh tiếng trong tỉnh hoặc ngoại tỉnh được chọn trước. Đến nơi, cả đoàn tập trung nghe hướng dẫn viên trình bày, diễn giải về danh thắng, địa điểm, nhà lưu niệm đó một lúc. Sau đó ăn trưa, nghỉ ngơi đôi chút, rồi đến một địa điểm khác trong lịch trình. Lại tham quan, nghe trình bày một hồi rồi, cả đoàn lên xe ra về.

Có đôi ba lần, nhờ sáng kiến của lãnh đạo Hội trên dưới chục tác giả được một tỉnh mời lên cũng dưới danh nghĩa tìm hiểu thực tế để sáng tác. Sau buổi gặp mặt lãnh đạo tỉnh nói dăm câu ba điều, thì các nhà văn, nhà viết kịch được bố trí ở tại khách sạn từ 5 - 7 ngày. Trong thời gian đó, thỉnh thoảng tỉnh lại bố trí một cán bộ - đa phần là cán bộ văn hóa đến dẫn đoàn đi thăm quan một địa điểm nào đấy kiểu như một làng nghề, một nhà máy, một địa điểm nổi tiếng nào đó trong tỉnh. Hết một ngày hoặc nửa ngày thì đoàn văn nghệ sĩ lại trở về khách sạn cắm cúi viết.

Những chuyến gọi là thực tế theo kiểu “chuồn chuồn đạp nước” như vậy là phổ biến và kết quả cũng thấy nhãn tiền. Không một tác phẩm có giá trị, có thể có đời sống lâu dài có thể ra đời. Nguyên nhân của những chuyến đi thực tế theo kiểu này một phần là do kinh phí hạn hẹp nên các hội cố tạo ra những kiểu xâm nhập thực tế kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” này. Phần nữa là các vị có trọng trách trong các hội không đánh giá cao hay đúng hơn chưa hiểu hết tác dụng cốt tử của những chuyến thực tế đối với sáng tác. Họ vẫn coi “đi thực tế” như một thủ tục, một biện pháp giải ngân tiền Nhà nước cấp cho Hội.

Các nhà văn, các kịch tác gia, các nhạc sĩ, hoạ sĩ, điêu khắc nổi danh đều khẳng định: Tìm hiểu thực tế đòi hỏi một thời gian dài và nếu muốn có tác phẩm lớn anh phải thực sự trở thành con người của môi trường đó, mảnh đất đó, hoàn cảnh đó với sự am hiểu và đồng cảm.

Nghề nghiệp chính của tôi là viết báo. Mặc dù với tư cách là phóng viên, trong cuộc đời làm báo, tôi đi rất nhiều và đến rất nhiều nơi. Nhưng những chuyến đi phục vụ cho làm báo thường ngắn ngày nên chỉ phù hợp cho việc viết nên những bài báo phản ánh cuộc sống mang tính thời sự. Rất may trong những chuyến đi đó, do yêu cầu và hoàn cảnh công việc tôi có hai chuyến đi khá dài về thời gian.

Đó là chuyến đi theo đoàn xe quá cảnh vận chuyển thạch cao ở Đồng Hến bên Lào về Quảng Trị. Chuyến công tác này kéo dài tổng cộng hơn 5 tháng. Có lần liền hai tháng tôi ăn ngủ cũng anh em lái xe ở bãi xe quá cảnh Đồng Hà. Sau chuyến công tác này ngoài những bài báo, tôi còn viết được cuốn tiểu thuyết “Quá cảnh” được in lần đầu với số lượng 1 vạn bản.

Chuyến đi thứ hai vào năm 1990, sau khi tôi đoạt giải Nhất cuộc thi viết về Giao thông vận tải lần thứ hai với tiểu thuyết “Bụi đường”, tôi được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Bùi Danh Lưu mời đi thực tế trên tàu viễn dương Điện Biên 01. Sau 6 tháng trên tàu nhiều lần gặp bão tưởng chìm tàu, đi tới gần 30 bến cảng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia…

Cùng phóng sự nhiều kì về thủy thủ viễn dương, tôi viết được cuốn tiểu thuyết “Biển toàn là nước” sau đó được Hội Nhà văn và Tổng công đoàn Lao động Việt Nam trao giải cho tác phẩm văn học viết về công nhân. Cùng chất liệu thu thập trong chuyến đi này, tôi viết kịch bản “Con tàu hoang”.

Nhắc lại hai kỷ niệm này để khẳng định giá trị của những chuyến đi thực tế đích thực sẽ mang lại lợi ích cho sáng tác như thế nào.

Gần đây, trong Đại hội Nhà văn Công nhân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Hội Nhà văn Việt Nam đã liên hệ với một số tập đoàn kinh tế để gửi một số nhà văn xuống thực tế trong một, hai năm hoặc lâu hơn. Nhà văn sống, làm việc như cán bộ, công nhân nơi đó với hy vọng sau những chuyến thực tế đúng nghĩa các nhà văn sẽ có những tác phẩm phản ánh được đúng thực tế của đời sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá trị của thực tế