Giá trị thắng giá rẻ

Minh Phương 18/06/2016 06:51

Khảo sát toàn cầu với chủ đề “Các chiến lược phát triển ngành bán lẻ” của Công ty đo lường toàn cầu – Nielsen công bố mới đây khẳng định, giá cả không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng Việt mà là những yếu tố khác như giá trị của sản phẩm xứng đáng với giá thành, thương hiệu, hương vị…

Người tiêu dùng Việt Nam đã không còn coi trọng giá cả hơn chất lượng khi mua hàng.

Vì sao hàng Thái bán chạy ở Việt Nam?

Báo cáo của Nielsen nhận định, đối với người tiêu dùng Việt Nam, giá cả không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn sản phẩm của họ mà chính là những yếu tố khác như giá trị của sản phẩm xứng đáng với giá thành.

Khảo sát của Nielsen cho biết, khi được hỏi về những yếu tố nào ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm của 19 ngành hàng được khảo sát thì giá là một trong 2 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người Việt. Yếu tố còn lại đó là “hương vị” đối với các “ngành hàng có thể ăn, uống được” và “thương hiệu” đối với các ngành hàng tiêu dùng khác.

“Người tiêu dùng Việt đang tìm kiếm những sản phẩm đáng đồng tiền bát gạo nhất đối với họ, trong bất kể bối cảnh kinh tế đang diễn ra như thế nào”, Nielsen đánh giá.

Theo Nielsen, có 6 trên 10 người Việt cảm thấy thích việc dành thời gian đi tìm các sản phẩm giá rẻ. Tuy nhiên, khi nói về việc lựa chọn cửa hàng, thì có những yếu tố khác ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người tiêu dùng chứ không chỉ đơn thuần là yếu tố liên quan về giá như sự sẵn có của sản phẩm, sản phẩm có chất lượng cao, vị trí cửa hàng thuận tiện... Điều này là minh chứng cho thấy, tâm lý mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt.

Nếu như trước đây, tâm lý coi trọng giá cả hơn chất lượng xâm lấn khiến thị trường trong nước tràn lan các sản phẩm giá rẻ, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc thì nay, tâm lý đó đã thực sự thay đổi. Người tiêu dùng đã quan tâm hơn vào chất lượng, thương hiệu của sản phẩm.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiểu được tâm lý của người tiêu dùng chính là yếu tố quyết định để các DN có thể thành công được trên thương trường hay không.

“Người Thái họ rất nhạy bén với yếu tố này, ở mọi thời điểm họ đều có thể thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam, và đó cũng là lý do vì sao các nhà bán lẻ Thái Lan xâm lấn thị trường nước ta ngày một nhiều” – ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Các siêu thị Hà Nội nhận định.

Chính bởi rất giỏi trong việc nắm bắt tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng Việt nên đến nay, các đại gia Thái Lan đã sở hữu hàng loạt siêu thị lớn như Metro, Big C, Nguyễn Kim, Robins, B’s Mart…

Và khảo sát trên thị trường hiện nay, hàng Thái Lan đã xâm nhập một cách rộng khắp, bất kể thành thị hay nông thôn, vùng sâu vùng xa… Hầu hết các sản phẩm hàng hóa từ thực phẩm như rau củ quả, thủy sản, giày dép, quần áo cho đến cả ô tô… cũng đều nhập từ Thái Lan.

Doanh nghiệp Việt phải liên kết lại

Theo ông Ngô Quốc Bảo - Giám Đốc Trung tâm Phát triển kinh doanh và trung tâm kinh doanh trực tuyến, hệ thống FPT Shop, hàng hóa của các DN Việt Nam đang đối diện với sự cạnh tranh hết sức khốc liệt, do các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài thâm nhập thị trường trong nước ngày một mạnh mẽ.

Đối diện với những khó khăn đó, theo ông Bảo, điều quan trọng là các DN trong nước phải có một chiến lược kinh doanh bài bản và biết kết nối để tạo thành sức mạnh tập thể mới có thể trụ vững trong cuộc cạnh tranh gay gắt này. “Doanh nghiệp của chúng ta hầu hết là DN nhỏ và vừa, do đó, chúng ta cần phải liên kết nhau lại bằng cách DN này cung cấp sản phẩm cho DN kia, hoặc cùng liên kết chia sẻ thông tin… sẽ giúp tiết giảm chi phí sản xuất” – ông Bảo nhận định.

Ngoài ra, theo ông Bảo, lợi thế của các DN Việt là hiểu rõ tâm lý mua sắm của người Việt, đó là mặt mạnh mà chúng ta có hơn các DN nước ngoài. Hiện nay, tâm lý mua sắm của người Việt không còn chuộng về giá rẻ nữa, mà là về chất lượng, thương hiệu của sản phẩm, do đó, chúng ta phải nắm bắt tâm lý này để cung ứng những sản phẩm phù hợp thị hiếu đó của người tiêu dùng.

Báo cáo của Nielsen cũng nhận định: “Một trong những cách hiệu quả nhất mà có thể giúp nhà bán lẻ tránh được cuộc chiến về giá và chiến lược khuyến mãi không bền vững đó là tăng nhận thức về những lợi ích mà họ cung cấp cho người tiêu dùng. Và từ lâu, các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ thông minh cũng đã biết, giá cả và giá trị sản phẩm không bao giờ là một”.

Và theo khẳng định của ông Roberto Butragueño - Phó giám đốc Bộ phận Dịch vụ Bán Lẻ của Nielsen Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn nếu họ tin rằng sản phẩm đó mang lại nhiều giá trị và lợi ích hơn là một sản phẩm giá rẻ đơn thuần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá trị thắng giá rẻ