Hôm nay, 6/4 (Mùng 10 tháng 3 ÂL), Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2017 vào ngày chính hội. (Hội diễn ra từ ngày 1 đến 6/4). Giỗ Tổ là một lễ hội lớn, vừa là dịp để con Lạc cháu Hồng tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao dựng nước của các vua Hùng - những vị vua đầu tiên trong lịch sử của dân tộc; vừa là dịp để tôn vinh di sản văn hóa nơi đất Tổ đã bền bỉ, trường tồn suốt ngàn năm lịch sử.
Du khách trảy hội Đền Hùng. (Ảnh: Cảnh Vũ).
Cộng đồng thực hành tín ngưỡng
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2017 do tỉnh Phú Thọ chủ trì, cùng TP Hà Nội và các tỉnh Thái Bình, Bến Tre, Bình Phước phối hợp tổ chức. Trước đó, lễ Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ đã diễn ra ngày 2/4 (6 tháng 3 ÂL); và sáng nay 6/4 là hoạt động dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Các địa phương nơi có đền thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương dâng hương theo nghi lễ truyền thống cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương tại Đền Thượng.
Không gian Lễ hội Đền Hùng trải rộng từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến TP Việt Trì với nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn. Ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Đền Hùng 2017 cho biết, năm 2017, BTC mở nhiều hoạt động đặc sắc. Nổi bật là Lễ hội dân gian đường phố và chương trình nghệ thuật “Linh thiêng nguồn cội - Đất tổ Hùng Vương”. Tại Lễ hội Đền Hùng 2017 còn có chương trình hát Xoan; trưng bày tư liệu về Di sản hát Xoan; tư liệu ảnh, hiện vật về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xưa và nay; Các hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian khác.
Bà Nguyễn Thị Kim Hải - Ủy viên Ban chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhận định: Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2017 là mùa Giỗ Tổ thứ 5, kể từ ngày UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã thấy được cố gắng, thành tựu, những cơ hội và cả những thách thức… Đó là việc Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào, du khách hành hương về nguồn cội, các thiết chế thờ cúng được tôn tạo, tu bổ song vẫn giữ nguyên được không gian thiêng thờ cúng các Vua Hùng đặc biệt trong vùng “Tam sơn cấm địa”; Đầu tư cho nghiên cứu, sưu tầm các truyền thuyết, các nghi lễ, diễn xướng dân gian liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học và sự tham gia của cộng đồng - những chủ thể quan trọng nhất làm nên giá trị của di sản… Đặc biệt là việc tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng được tiến hành một cách trang nghiêm, thành kính với sự tham gia của người dân Phú Thọ và đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài.
Trong các dịp lễ hội, vai trò của cộng đồng luôn được đề cao là chủ thể sáng tạo, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Tỉnh Phú Thọ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, bảo tồn các tập quán tín ngưỡng. Người dân ở địa phương có đền thờ Hùng Vương tự nguyện tổ chức hoạt động tế lễ, rước kiệu về Đền Hùng, chuẩn bị các lễ vật là đặc sản của địa phương để dâng cúng vua Hùng; tổ chức và tham gia các hoạt động văn hóa dân gian như: Đánh trống đồng, đâm đuống, thi nấu cơm, đấu vật, đu quay, bơi chải, bắn nỏ, lễ hội văn hóa dân gian đường phố …
Tính đến tháng 4/2017, trên địa bàn Phú Thọ có 345 di tích thờ cúng Hùng Vương (trong đó 1 di tích lịch sử Đền Hùng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 37 di tích xếp hạng Di tích cấp quốc gia, 135 di tích xếp hạng cấp tỉnh, và 96 di tích chưa xếp hạng). Địa phương cũng đã xây dựng 1 ngân hàng dữ liệu về Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Tuy nhiên cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – một tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội tồn tại hàng ngàn năm qua không trách khỏi những thách thức trước sự phát triển của xã hội hiện đại và đời sống công nghiệp hóa. Các giá trị truyền thống sẽ bị mai một rất nhanh bởi lối sống, nếp sống và tốc độ của toàn cầu hóa nếu chúng ta không quan tâm đến bảo tồn các giá trị di sản truyền thống. Làm thế nào để giữ các không gian thiêng? Làm thế nào để giữ niềm tin tâm linh - chỗ dựa tinh thần cho mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và dân tộc? Câu trả lời nằm trong hành động của mỗi người.
Hát Xoan nỗ lực thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp
Sau khi được đề nghị về việc xem xét cho di sản hát Xoan Phú Thọ ra khỏi danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp, hồ sơ hát Xoan đã đã được gửi tới Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể để xem xét, xác nhận hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2017.
Trên thực tế, từ chỗ trước khi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại – Phú Thọ chỉ còn 7 nghệ nhân cao niên có thể diễn xướng, truyền dạy Xoan cổ thì đến năm 2016 hát Xoan đã có lực lượng nghệ nhân kế cận đông đảo với 62 người có thể diễn xướng và truyền dạy các làn điệu Xoan cổ…
Đặc biệt, hiện đã hình thành ba thế hệ hát Xoan là các nghệ nhân cao niên, các nghệ nhân kế cận và đông đảo thế hệ trẻ đầy triển vọng. 31 bài cơ bản của 3 chặng hát Xoan do các nghệ nhân cao tuổi nắm giữ đã được tư liệu hóa và truyền dạy hầu như đầy đủ cho lớp nghệ nhân kế cận. Việc phục hồi không gian hát Xoan được địa phương chú trọng. Ngay sau khi hát Xoan được vinh danh, thực hiện chương trình hành động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, 5 di tích phường Xoan gốc đã được đầu tư phục dựng, trong đó miếu Lãi Lèn - một nơi phát tích của hát Xoan và diễn xướng Xoan cổ (thôn Phù Đức - xã Kim Đức- TP Việt Trì, Phú Thọ), vừa chính thức hoàn thiện phục hồi.