Hiện tại, chênh lệch mua bán vàng dao động 2 - 2,02 triệu đồng/lượng. Nghĩa là khách mua 1 lượng vàng SJC và bán ra ngay thì sẽ lỗ 2 - 2,02 triệu đồng/lượng.
Chiều ngày 19/7, các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 63,3 - 65,32 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua, tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều bán so với phiên trước. Tại TP HCM, giá thu mua tương đương thị trường Hà Nội nhưng giá bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng.
Hiện tại, chênh lệch mua bán vàng dao động 2 - 2,02 triệu đồng/lượng. Nghĩa là khách mua 1 lượng vàng SJC và bán ra ngay thì sẽ lỗ 2 - 2,02 triệu đồng/lượng.
Một tuần trước, chênh lệch mua bán chỉ 600.000 - 620.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, biên độ đã bị nới rộng khi giá vàng SJC sụt giảm mạnh. 3 ngày qua, thị trường vàng trong nước liên tục biến động. Có thời điểm, giá vàng SJC "bốc hơi" 5 triệu đồng/lượng trong một ngày, điều từ trước đến nay chưa từng xảy ra.
Trên thị trường quốc tế sáng nay (20/7), giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.713 USD/ounce (tương đương 48,45 triệu đồng/lượng), tăng 7 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 16,87 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng thế giới cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn khi một số ngân hàng trung ương rục rịch tăng lãi suất và đồng USD ngày càng mạnh lên.
Ngày mai (21/7), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp để bàn về đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 11 năm, 0,5% là con số được giới chuyên gia dự báo.
Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã báo hiệu tăng lãi suất ở mức 0,75% trong phiên họp vào tháng 7 nhưng với mức lạm phát tăng nóng này, giới phân tích ở phố Wall cho rằng mức tăng có thể là 1%, mức mà cơ quan này chưa bao giờ nghĩ tới. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất nhanh và mạnh có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.