Từ 15h hôm nay, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 440 đồng, RON 95 tăng 370 đồng, dầu tăng tối đa 570 đồng một lít.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 12/5 là 18.420 đồng một lít (tăng 440 đồng); RON 95 là 19.530 đồng một lít (tăng 370 đồng).
Dầu hoả là 13.820 đồng một lít, tăng 570 đồng. Dầu diesel là 14.770 đồng một lít, tăng 450 đồng. Dầu madut tăng 250 đồng, lên 14.270 đồng một kg.
Cơ quan điều hành cũng chi 1.900 đồng từ quỹ để bù cho mỗi lít xăng E5 RON 92; RON 95 là 1.050 đồng. Mức chi dầu madut là 500 đồng một kg, dầu diesel và dầu hoả là 400 đồng mỗi lít. Cùng đó, mức trích Quỹ bình ổn các mặt hàng xăng dầu về 0 đồng một lít, kg.
Như vậy, đây là lần tăng giá thứ 2 liên tiếp từ tháng 4 đến nay. Tổng cộng xăng RON 95 đã tăng thêm 560 đồng một lít, và E5 RON 92 đắt thêm 620 đồng một lít.
Tại cuộc họp về điều hành giá những tháng cuối năm 2021 vừa diễn ra, Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Ngoài ra, liên Bộ cũng cần tính toán, sử dụng quỹ Bình ổn giá hợp lý, nhất là trong các thời điểm khi mặt bằng giá xăng dầu thế giới tăng cao để hạn chế mức tăng giá đột biến trong nước.
Thông tin một số nền kinh tế châu Âu lên kế hoạch mở cửa nền kinh tế và tồn kho xăng dầu Mỹ giảm đã hỗ trợ giá xăng dầu hôm nay bật tăng mạnh.
Tính đến đầu giờ sáng ngày 12/5, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2021 đứng ở mức 65,50 USD/thùng, tăng 0,20 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 11/5, giá dầu WTI giao tháng 7/2021 đã tăng 0,59 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2021 đứng ở mức 68,68 USD/thùng, tăng 0,13 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 0,41 USD/thùng so với cùng với thời điểm ngày 10/5.
Giá dầu ngày 12/5 tăng mạnh chủ yếu do kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô thời gian tới tăng mạnh khi một số nước châu Âu như Anh, Pháp... được cho là đã lên kế hoạch mở cửa một phần nền kinh tế.
Triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu lạc quan qua đó làm gia tăng kỳ vọng cải thiện nhu cầu dầu thô toàn cầu cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu hôm nay đi lên.
Tại Mỹ, Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ New York vừa nhận định nền kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất trong gần 40 năm qua và lạm phát sẽ trở lại mục tiêu 2% vào năm 2022.
Còn tại Trung Quốc, dữ liệu thống kê cho thấy hoạt động xuất khẩu của nước này đã tăng tới 32,3% trong tháng 4/2021 so với cùng kỳ năm 2020.
Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 đã có những bước chuyển tích cực khi các chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 được đẩy mạnh. Hoạt động du lịch đang trở nên sôi động tại một quốc gia, khu vực như Nga, Mỹ, Bồ Đào Nha... cũng góp phần làm gia tăng niềm tin vào triển vọng phục hồi nhu cầu năng lượng, qua đó giúp giá dầu tăng.