Mặc dù giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm sau nhiều lần liên tiếp “phá đỉnh”, cạnh đó, hoạt động du lịch trong nước có nhiều chuyển biến, thế nhưng ngành vận tải hành khách vẫn ngậm ngùi vì khó khăn chồng chất. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp ngán ngẩm trước lượng khách đìu hiu.
“Làm mát” nhưng chưa đủ để vực ngành vận tải
Từ ngày 11/7, giá xăng dầu sau nhiều lần tăng liên tiếp đã được điều chỉnh giảm, đây là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp (DN) vận tải. Theo đó, giá các loại xăng và dầu diesel đồng loạt giảm đến hơn 3.000 đồng/lít. Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Tài chính - Công thương đã thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các loại xăng ở mức 950 đồng/lít và dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 800 đồng/lít, dầu mazut ở mức 950 đồng/lít và không chi Quỹ Bình ổn giá đối với các loại xăng dầu.
Giá xăng dầu giảm là một tín hiệu vui cho nhiều DN vận tải. Hơn thế, đợt cao điểm du lịch hè với sự trở lại sôi động của loại hình dịch vụ này cũng là một điểm sáng cho ngành vận tải khởi sắc. Thế nhưng, ghi nhận thực tế của PV Báo Đại Đoàn Kết tại một số bến xe trên địa bàn TP Hà Nội lại có phần trái ngược.
Đánh giá về mức độ tác động của việc giảm giá xăng dầu thời gian vừa qua, anh Hùng khẳng định, nhà xe vẫn cầm chắc phần lỗ, giá xăng dầu giảm như vậy vẫn chưa đủ để bù đắp được những khó khăn mà nhà xe phải trải qua. “Giá xăng dầu giảm ở thời điểm hiện tại tương đương với đợt tháng 4 vừa qua, tuy nhiên nếu so với năm ngoái thì vẫn ở mức cao ngất ngưởng. Nếu năm 2021, giá dầu chỉ khoảng 16.000 – 18.000 đồng/lít thì nay vẫn ở mức 26.000 đồng/lít. Như vậy thực chất chi phí cho vận tải vẫn ở mức cao, chúng tôi vừa chạy vừa bù lỗ” - anh Hùng cho hay.
Ngồi vật vờ tại bến xe Mỹ Đình đến sát giờ rời bến nhưng trên xe chỉ có 3 hành khách, đại diện nhà xe chạy tuyến Hà Nội – Lào Cai cũng lắc đầu ngán ngẩm: “Giá xăng dầu tăng cả vài nghìn đồng/lít nhưng giảm thì nhỏ giọt, trong khi giá cước chỉ tăng nhẹ nên DN chỉ dám hoạt động cầm chừng. Lượng khách không tăng đột biến nên nhiều chuyến nhà xe chạy chỉ có lỗ mà thôi”.
Còn ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc hãng xe Sao Việt chia sẻ, giá xăng dầu giảm đã là thông tin rất đáng mừng đối với các DN kinh doanh vận tải đường bộ sau thời gian dài giá xăng dầu tăng đến chóng mặt. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn chưa thể vội mừng vì giá nhiên liệu vẫn chiếm đến 35 – 40% chi phí vận tải.
Ông Lý Trường Sơn - Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, sau khi tình bệnh được kiểm soát, nhu cầu đi lại của người dân tăng lên đáng kể, lượng hành khách đến bến xe cũng có chiều hướng gia tăng, tuy nhiên chưa có nhiều đột biến.
Tương tự tại bến xe Nước Ngầm, lượng khách cũng không dồi dào như kỳ vọng. Anh Nguyễn Tiến Mạnh, chủ xe chạy tuyến Hà Nội – Đà Nẵng cho hay: “Xăng dầu giảm giá cũng tiết kiệm được một phần chi phí cho nhà xe, tuy nhiên cũng chưa bõ bèn gì”.
Chủ nhà xe này đánh giá, nếu lượng hành khách giảm đi trong thời gian tới thì vẫn cầm chắc lỗ trong tay. Bên cạnh đó, nỗi lo về giá xăng tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới vẫn là nỗi ám ảnh của các nhà xe.
Tìm cách gỡ khó
Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho biết, việc giảm giá xăng dầu thời gian vừa qua rõ ràng là một tín hiệu đáng mừng đối với các DN vận tải. “Chúng tôi rất hoan nghênh chủ chương của Chính phủ và các bộ, ngành đã tìm mọi giải pháp hạ nhiệt giá xăng dầu nhằm tạo điều kiện cho các DN vận tải và người dân. Động thái này được dư luận xã hội hết sức đồng tình bởi sẽ góp phần giải quyết những khó khăn mà toàn xã hội đối mặt thời gian qua” - ông Liên nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình nhận định, giá xăng dầu giảm do một phần hỗ trợ của nhà nước để giảm chi phí đầu vào cho các DN, đặc biệt là những DN vận tải. Chúng ta huy động rất nhiều tiền vào nền kinh tế để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế nên giá cả của nhiều loại mặt hàng cũng tăng theo, trong đó có các chi phí vận tải. Do vậy, để gỡ khó cho các DN vận tải thời điểm này cũng không hề dễ dàng. Một phần các DN cần chủ động thích ứng trong tình hình mới. Phần còn lại của cơ quan chức năng và cơ quan quản lý cần kiên quyết dẹp nạn xe dù, bến cóc, xe ghép,… vì cản trở rất lớn cho các xe khách liên tỉnh hoạt động.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh: Giá xăng dầu chỉ là một phần khó khăn cho ngành giao thông vận tải thời điểm này. Về phía Chính phủ, cần tháo gỡ những khó khăn triền miên của ngành vận tải. Trong đó tập trung vào giải quyết những vấn đề mấu chốt cản trở ngành vận tải hành khách phát triển như xe dù, bến cóc... làm thất thu thuế, mất bình đẳng giữa các DN và phá vỡ trật tự các tuyến cố định vốn có. “Đến lúc này, chưa nghĩ đến các vấn đề khác mà chỉ cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc của ngành vận tải trong đó vai trò của Thanh tra Giao thông vận tải và Cảnh sát giao thông là rất quan trọng. Nếu không có sự ra quân kiên quyết, hành động quyết liệt thì ngành vận tải không thể phát triển được” – ông Liên nói.
Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội:
Cần những giải pháp đột phá để vượt khó
Du lịch nội địa thời gian gần đây đã phát triển hơn, đặc biệt du lịch biển trong đợt cao điểm hè đã tạo tiền đề để hoạt động vận tải khởi sắc. Theo đánh giá của chúng tôi, tại các bến xe, số lượng khách vào bến đã tăng đáng kể. So với trước đây số lượng đã tăng 30-40%. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm nâng công suất của ngành vận tải lên. Tuy nhiên vận tải hành khách hay vận tải hàng hóa vẫn có độ trễ nhất định do tâm lý người dân còn e dè, chưa muốn đi lại nhiều. Đặc biệt là lưu lượng khách quốc tế, do việc mở cửa chưa rộng nên đi lại, du lịch quốc tế cũng còn một vài hạn chế.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt để giúp ngành vận tải phát triển ổn định vẫn là, cần mau chóng chuyển đổi quản lý nhà nước sang công nghệ 4.0, tức là làm cho ngành vận tải đỡ vất vả trong các thủ tục hành chính. Nếu áp dụng công nghệ 4.0 sẽ có tác động rất tích cực đối với ngành vận tải. Trước tiên có thể áp dụng việc phát triển hóa đơn điện tử hay bán vé điện tử thông minh để Nhà nước thu được thuế và tạo sự phát triển bình đẳng.