Chuyên gia kinh tế nhận định giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng trong chu kỳ điều chỉnh của Liên Bộ Tài chính - Công Thương vào ngày 1/3. Việc giá xăng dầu tiếp tục “leo thang” kéo theo các mặt hàng khác cũng tăng, ảnh hưởng đến đời sống người dân và doanh nghiệp vận tải.
Giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày (24/2) tăng khá cao so với kỳ tính giá trước đó (ngày 21/2). Trong đó, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình là 110,53 USD/thùng (chu kỳ trước là 108,8 USD/thùng). Còn giá xăng RON 95 là 113,36 USD/thùng (kỳ trước là 111,32 USD/thùng). Đặc biệt, vào ngày (24/2) giá xăng RON 95 cán mốc 117,23 USD một thùng, cao nhất trong 8 năm qua.
Cũng trong phiên giao dịch sáng ngày (28/2) thị trường giá dầu thô thế giới tăng cao. Củ thể, giá dầu WTI của Mỹ tăng 5,71% lên 96,82 USD/thùng. Còn giá dầu thô Brent giao dịch cuối tháng 2 cũng tăng 5,16% lên 102,98 USD/thùng.
Trước những diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng cao trong những ngày qua, theo nhận định của chuyên gia kinh tế thì giá xăng dầu trong nước sẽ tăng trong chu kì điều chỉnh vào ngày 1/3.
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết- Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết: “Do giá xăng dầu trên thế giới những ngày vừa qua có tăng, vì thế thị trường xăng dầu Việt Nam liên thông với xăng dầu thế giới cho nên trong kỳ điều chỉnh ngày 1/3 sẽ tăng, nhưng mức tăng thấp chứ không cao”.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Chúng ta biết rằng xăng dầu chúng ta nó liên thông, nhưng mà được cái các doanh nghiệp của xăng dầu chúng ta thực thi điều chỉnh theo kỳ 10 ngày. Trong khi đó xăng dầu thường nhập về được mua theo hình thức kỳ hạn trước thời gian đó. Cho nên với mức độ điều chỉnh như hiện nay thì tôi nghĩ tăng, nhưng không quá cao”.
Người dân, doanh nghiệp lao đao
Trước những ảnh hưởng “kép” đại dịch Covid-19 và giá xăng dầu trong nước liên tục tăng như thời gian vừa qua, khiến người dân và doanh nghiệp vận tải trong nước rơi vào cảnh lao đao, khốn đốn.
Ông Đỗ Văn Bằng chủ doanh nghiệp hãng xe Sao Việt (chạy tuyến Hà Nội- Lào Cai) chia sẻ: “Đại dịch Covid 19 đã làm ảnh nặng đến hầu hết các doanh nghiệp vận tải, đến thời điểm này gần như tê liệt hết. Xong giờ giá xăng dầu lại tiếp tục tăng cao xe không chạy thì không thể bù lỗ được, còn chạy giá xăng dầu cao mà xe không có khách thì cũng lỗ, mà lỗ chồng lỗ là điều không thể. Thực sự rất nhiều anh em doanh nghiệp vận tải trao đổi vào thời điểm này đang loay hoay và chưa có đường lùi”.
Cũng theo ông Bằng cho biết thêm: “Hãng xe có 100 xe khách lớn nhỏ, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá xăng dầu tăng cao nên chỉ còn có 10 xe hoạt động. Do xe chạy không có khách nên anh em lái xe phải cắt nhau nghỉ luôn phiên đảo công để còn có một chút thu nhập. Một số anh em lái xe không chờ đợi được và thu nhập không đảm bảo nên tìm công việc khác làm chờ ngày phục hồi thì mới sẽ quay trở lại. Anh em lái xe cũng chia sẻ với doanh nghiệp, nhưng vì gia đình vợ con nên họ đành đi tìm công việc khác làm”.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá: Việc giá xăng dầu tăng ảnh hưởng tương đối lớn tới giá cả của nền kinh tế. “Giá cả xăng dầu tăng thì nó tác động đến nền kinh tế tương đối lớn như: lạng phát cũng như tăng giá các mặt hàng. Nếu giá xăng tăng 10% thì lạng phát tăng thêm 0,34% trong thời gian đó. Nếu mức xăng dầu tăng 10% thì nó làm cho tăng trưởng GDP chậm lại khoảng 0,5%. Trong tháng 1-2 giá xăng dầu tuy tăng tương đối chậm nhưng nó cũng phải tăng hơn 10%, qua đó tác động lạm phát vào tháng 1-2 tương đối rõ, mức lạm phát tương đối cao”.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê công bố vào ngày (28/02) giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2022 tăng 1% so với tháng trước (tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021). Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
Vận tải hành khách tháng 02/2022 ước đạt 285,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 13,1% so với tháng trước và luân chuyển 11,1 tỷ lượt khách.km, tăng 10%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, vận tải hành khách đạt 538,5 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 21,1%) và luân chuyển 21,3 tỷ lượt khách.km, giảm 27,2% (cùng kỳ năm trước giảm 28,8%).