Ngày 5/6, giá xăng dầu tăng hơn 2% sau khi OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng 3,6 triệu thùng/ngày, cho đến năm 2024.
Giá xăng dầu thế giới
Cụ thể, giá dầu WTI tăng 1,48 USD/thùng, tương đương 2,06%, lên 73,22 USD/thùng; Brent tăng 1,61 USD/thùng, tương đương 2,11%, lên mức 77,74 USD/thùng.
Giá dầu tiếp đà tăng của hai phiên giao dịch cuối tuần trước sau quyết định của OPEC+ ngày 4/6 tại cuộc họp ở Vienna (Áo).
Reuters cho biết, OPEC+ đã cắt giảm 3,6 triệu thùng/ngày, chiếm 3,6% nhu cầu toàn cầu, bao gồm việc cắt giảm 2 triệu thùng/ngày hồi cuối năm ngoái và cắt giảm tự nguyện 1,6 triệu thùng/ngày tại cuộc họp hồi tháng Tư. Những cắt giảm này có hiệu lực cho đến cuối năm 2023. Ngày 4/6, sau bảy giờ đàm phán, OPEC+ đã đạt được một thỏa thuận rộng hơn về chính sách sản lượng. Theo đó, OPEC+ gia hạn việc cắt giảm cho đến cuối năm 2024.
Các nhà phân tích cho biết quyết định của OPEC+ đã gửi một tín hiệu rõ ràng rằng nhóm này sẵn sàng hỗ trợ giá và cố gắng ngăn chặn các nhà đầu cơ.
Ngoài việc gia hạn mức cắt giảm 3,6 triệu thùng/ngày hiện tại của OPEC+, nhóm này cũng đã đồng ý giảm các mục tiêu sản xuất chung từ tháng 1/2024 thêm 1,4 triệu thùng/ngày so với các mục tiêu hiện tại xuống còn 40,46 triệu thùng/ngày.
Giá xăng dầu trong nước
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1/6 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 390 đồng/lít, giá mới là 20.878 đồng mỗi lít; xăng RON95-III tăng 516 đồng mỗi lít, lên 22.015 đồng/lít.
Trong khi đó, các mặt hàng dầu đều được điều chỉnh giảm. Cụ thể, dầu điêzen 0.05S giảm 11 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành, không cao hơn 17.943 đồng/lít; dầu hỏa giảm 198 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, không cao hơn 17.771 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 275 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành, không cao hơn 14.883 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 16 lần điều chỉnh giá, trong đó có 9 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.