Ngày 3/9 Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm giá bán mặt hàng xăng RON 92 thêm 1.198 đồng/lít xuống mức 17.338 đồng/lít. Tuy nhiên, sau 5 lần giá xăng, dầu giảm liên tiếp, cước vận tải vẫn “án binh, bất động”.
Tương tự, xăng E5 cũng giảm giá xuống còn 16.843 đồng/lít. Đối với các mặt hàng dầu, ngoại trừ dầu madut giảm mạnh thêm 785 đồng/kg, xuống còn 9.351 đồng/kg thì dầu diezel và dầu hỏa chỉ giảm hơn 100 đồng/lít.
Như vậy, từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã được điều chỉnh 11 lần trong đó có 4 lần tăng (tổng cộng 5.040 đồng) và 7 lần giảm giá (tổng cộng 5.588 đồng). Đây cũng là lần giảm thứ 5 liên tiếp của xăng kể từ khi lập đỉnh 20.710 đồng/lít hồi tháng 6-2015.
Điều đáng nói là giá xăng giảm mạnh nhưng giá cước vận tải vẫn đứng im, đặc biệt là giá cước vận tải đường dài, giá cước taxi.
Nhiều hãng taxi như, Mỹ Đình, Sông Nhuệ… vẫn giữ nguyên giá cước đối với các dòng xe Getz, Giant i10, Kia Moring là 6.000đ với km đầu tiên, từ km thứ 2 đến km thứ 30 là 11.000đ/km, từ km thứ 31 trở đi 9.000đ/km.
Các hãng taxi vẫn trì hoãn giảm giá cước.
Ảnh: Hoàng Long
Cuối tháng 8, Bộ Tài chính đã phải gửi công văn tới Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu các DN vận tải thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau một lần giảm giá xăng nữa, giá cước vận tải vẫn án binh bất động.
Lý do các DN vận tải giải thích cho việc chưa giảm giá cước là do, khi giá xăng tăng cao, cước taxi không tăng, nên đến bây giờ, khi giá xăng giảm, thì cước taxi vẫn chưa thể giảm. Một số DN khác thì lấy lý do cho rằng việc cài lại đồng hồ rất “phức tạp” và “tốn kém”, nên các DN này vẫn đang cân nhắc và chưa tính tới phương án giảm giá.
Theo tính toán, giá xăng, dầu giảm đã tác động đến giảm giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải, vì chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải đối với xăng chiếm từ 25-35% giá thành-chủ yếu là taxi; dầu chiếm khoảng 35-40% - chủ yếu là vận tải hành khách và hàng hóa. Vì thế, giá xăng dầu giảm, giá vận tải cũng phải giảm ở mức tương ứng.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý cước vận tải, kể cả đối với trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị vận tải không thực hiện kê khai giảm giá cước. Văn bản gửi đi, đến thời điểm này cũng đã được gần 1 tuần, song thị trường thì chưa hề có biến chuyển.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, nếu các DN bắt tay nhau chây ì giảm cước, các cơ quan quản lý có quyền vào thanh tra, kiểm tra và phạt nặng nếu phát hiện ra các chi phí giá bất hợp lý.
Trong khi đó chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng cần phải công khai danh tính các DN ì trệ giảm giá cước để người tiêu dùng biết và lựa chọn.