Trước thông tin từ dư luận về việc giá xét nghiệm Covid-19 cao, ngày 29/9 Bộ Y tế đã chính thức có phản hồi. Theo Bộ Y tế, giá xét nghiệm phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành như: Giá của các test kit, vật tư xét nghiệm, chi phí thực hiện xét nghiệm...
Không thể đánh đồng các loại test kit
Có thể thấy, giá các loại test xét nghiệm khác nhau phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua.
Ví dụ như các loại test xét nghiệm đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, châu Âu, Hoa Kỳ hoặc có xuất xứ từ châu Âu hay từ Hoa Kỳ thường có giá cao hơn mặt bằng chung giá test kit của các nước khác, việc mua test kit vào thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp, căng thẳng ở nhiều nước, thị trường khan hiếm thì giá test kit xét nghiệm thường cao, số lượng mua càng lớn thì giá càng giảm...
Vì vậy nên không thể đánh đồng tất cả các loại test kit với nhau, cũng như không thể so sánh giá test kit xét nghiệm ở các thời điểm khác nhau và phải phụ thuộc cả vào các yếu tố chất lượng (độ nhạy, độ đặc hiệu), tình hình diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu mua sắm test xét nghiệm trong nước và quốc tế.
Nhiều giải pháp giảm chi phí xét nghiệm
Hiện Bộ Y tế đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để điều chỉnh giá xét nghiệm theo hướng ngày càng giảm chi phí xét nghiệm để phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị y tế công lập thực hiện xét nghiệm điều chỉnh giá xét nghiệm theo từng giai đoạn.
Ở thời điểm năm 2020 khi dịch bệnh trên thế giới có diễn biến phức tạp ở nhiều nước, nguồn cung và chủng loại các loại test xét nghiệm Covid rất hạn chế, nhu cầu ở thị trường các nước rất lớn khiến cho giá các loại test xét nghiệm còn ở mức cao (test xét nghiệm khoảng 200.000đồng/test, test Real-time PCR gần 1.000.000đồng/test), Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ đưa ra hướng dẫn về giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu nghiệm, test Real-time PCR là 734.000 đồng/1 mẫu nghiệm. Mức giá này được áp dụng cho tới trước ngày 1/7/2021, được đề xuất trên cơ sở các quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.
Từ ngày 1/7/2021: Đối với test nhanh, do nhiều công ty nhập test và trong nước cũng đã sản xuất được test xét nghiệm nên dải giá test rất khác nhau, Bộ Y tế đã có yêu cầu thực hiện thực thanh thực chi: Thanh toán theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu.
Bên cạnh đó, với hình thức gộp mẫu nhằm đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, cũng như tiết kiệm chi phí, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về mức giá của gộp mẫu, cụ thể: Mức giá của việc lấy và bảo quản bệnh phẩm: 100.000 đồng/mẫu. Ví dụ: mức giá việc thực hiện xét nghiệm bằng 634.000 đồng chia cho số mẫu gộp. (Nếu gộp 5 mẫu vào 1 xét nghiệm thì chia 5, gộp 10 mẫu thì chia 10...).
Công khai, minh bạch giá
Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện các loại định mức xét nghiệm và đã dự thảo Thông tư về mức giá xét nghiệm xin ý kiến các Bộ, đơn vị để ban hành. Đồng thời, Bộ Y tế đang tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa test xét nghiệm Covid-19 vào mặt hàng bình ổn giá do chưa được quy định trong luật.
Bộ Y tế cũng đã triển khai các giải pháp nhằm tăng nguồn cung test xét nghiệm. Bao gồm chủ động liên hệ hoặc thông qua kênh ngoại giao để họp, trao đổi, đàm phán trực tuyến với các nhà sản xuất test kit có uy tín trên thế giới để có thể mua lại test xét nghiệm với số lượng lớn và giá thấp nhất có thể; Vận động các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước mua test kit chất lượng cao từ các nhà sản xuất uy tín trên thế giới và bán lại cho các địa phương, đơn vị trong nước với giá phi lợi nhuận, bằng với giá nhà sản xuất bán ra; Triển khai đấu thầu tập trung (thông qua Bệnh viện Nhi trung ương) để có thể mua số lượng lớn với giá thấp nhất, qua đó làm cơ sở để các địa phương, đơn vị nghiên cứu, tham khảo trong việc đấu thầu, mua sắm test xét nghiệm.
Cùng với đó là việc đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký tạo cạnh tranh giảm giá. Tính đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất, phân phối, nhập khẩu và kinh doanh test xét nghiệm thực hiện công khai giá, cập nhật giá để các đơn vị và người dân dễ dàng tra cứu...
Bộ Y tế chưa mua test kháng nguyên nhanh
Gần đây xuất hiện một số phản ánh khác nhau về giá xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Về việc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Đối với xét nghiệm trong các cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu việc tính giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên căn cứ vào thực thanh thực chi, cụ thể giá được tính toán dựa vào giá kit test, chi phí vật tư tiêu hao liên quan. Việc thanh toán theo kết quả đấu thầu mua sắm được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu. Đồng thời, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về mức giá của gộp mẫu để giảm chi phí xét nghiệm, đặc biệt là cho các doanh nghiệp.
Ông Thuấn cũng cho hay: Đến nay Bộ Y tế chưa thực hiện việc mua sắm test kháng nguyên nhanh. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ nên các đơn vị, địa phương thực hiện việc mua sắm đấu thầu test kháng nguyên nhanh theo quy định.